Trang phục cưới ý nghĩa của dàn sao Việt

Trước thềm theo chàng về dinh, siêu mẫu Thanh Hằng đã thực hiện nghi lễ tại gia tiên trong mẫu áo dài cưới đỏ phủ ngập sequins. Hình ảnh sắc sảo, mặn mà của người đẹp họ Phạm được nhận xét mang đậm dấu ấn các nàng dâu Á Đông. Không chỉ gây ấn tượng bởi màu sắc tổng thể, “đứa con tinh thần” của NTK Adrian Anh Tuấn còn thu hút khi được trau chuốt tỉ mỉ, điểm xuyết nhiều chi tiết lấp lánh. Thêm phần nổi bật, mẫu áo còn được đính kết đóa hoa cài đang nở rộ trong ngày vui của cặp đôi. Hình ảnh ấy được lặp lại với điểm kết tinh của khăn voan đỏ trùm tóc. Được biết, bộ trang phục được lấy cảm hứng từ mẫu áo mà mẹ cô từng diện.

Những phút đầu hôn lễ, siêu mẫu Minh Tú xuất hiện đầy nổi bật trong chiếc áo dài truyền thống nhuộm sắc đỏ. Tôn nét sang trọng, Minh Tú khoác thêm mẫu choàng dệt thêu họa tiết - một thiết kế được đông đảo nàng dâu xưa ưa chuộng. Theo chia sẻ từ NTK, tác phẩm trăm năm được thực hiện trên nền chất liệu sateen thượng hạng ngoại nhập được lấy cảm hứng từ chiếc áo dài cưới của mẹ Minh Tú vào những năm ở thập niên 70 - 80. “Thiết kế được kết hợp với áo choàng ren trắng được đính kết hoa 3D tạo nên một hiệu ứng cổ điển cho mẫu thiết kế. Đi cùng thiết kế áo dài này là chiếc mấn đỏ cùng tone được đính kết ngọc trai và đá pha lê”, Chung Thanh Phong tiết lộ. Chia sẻ về thiết kế trong ngày trọng đại, Minh Tú cho biết bản thân mong muốn gợi nhớ hình ảnh của ba mẹ ngày xưa. Cách đây hơn 4 thập kỉ trước, mẹ cô cũng đã từng diện bộ áo dài đỏ sánh bước bên ba trong ngày cưới. Trong thời khắc thiêng liêng, nàng mẫu hy vọng có hình bóng của đấng sinh thành kề bên, đặc biệt là người cha quá cố.

Sáng 11/11/2023, lễ ăn hỏi của hậu vệ Đoàn Văn Hậu và người đẹp Doãn Hải My chính thức được diễn ra tư gia đàng gái trên đường Trần Phú, quận Ba Đình. Trong ngày trọng đại, chú rể - cô dâu chọn cho mình hai bộ áo dài tinh tế có sắc trắng và đỏ, mang đậm dấu ấn phong tục cưới hỏi Việt. Cả bốn mẫu trang phục trăm năm đều là thiết kế đặt may riêng, được tác giả điểm tên Bạch Hạc Liên Hoa và Song Hỷ Đăng Khoa. Trong đó, bộ đôi trang phục dạm hỏi nhuộm sắc đỏ nổi bật đặc biệt làm nức lòng người hâm mộ bóng đá Việt. Được biết, mẫu thiết kế được đội ngũ thực hiện dồn nhiều tâm huyết, sáng tạo để hoàn thành. Trong đó, tông đỏ cùng các chi tiết ngôi sao năm cánh mang hàm ý gợi nhớ về màu cờ sắc áo trên sân của chàng hậu vệ đội tuyển Việt Nam. “Tất cả hòa quyện để tạo nên họa tiết “mái nhà” che chở cho cô dâu chú rể một đời bình an và gắn kết”, NTK Hà Cúc cho biết.

Hưởng ứng tinh thần tôn vinh lễ phục nước nhà, Quang Hải - Chu Thanh Huyền đã khoác lên mình hai thiết kế được lấy cảm hứng từ tư liệu hình ảnh trang phục của Hoàng đế Bảo Đại & Nam Phương Hoàng hậu giai đoạn những năm 30 của thế kỉ 20. Dựa trên thông tin từ đội ngũ phục sức, trang phục cưới được nam cầu thủ Hà thành chọn là áo ngũ thân tay chẽn mang sắc Hoàng, được thêu lên thân các chuỗi đồ án Bát Bửu, hoa cỏ bốn mùa và kết thúc phần vạt áo bằng đồ án Thủy Ba. Sóng đôi, Chu Thanh Huyền khoe sắc trong bộ lễ phục hoàng gia đầu tiên của Nam Phương hoàng hậu. Tấm áo của Thanh Huyền diện thuộc dạng thức Nhật Bình có thân được may bằng vải dệt cài hoa, thân áo đính kim sa điểm xuyết đều. Đồ án thêu đối chiếu được thực hiện ở nội dung cổ áo ngụ ý mang lại may mắn cho cặp đôi.

Trong ngày trọng đại của cuộc đời, ca sĩ Phương Vy chọn cho mình mẫu váy cưới tông trắng tinh khôi với điểm nhấn họa tiết, hoa văn cầu kì. Được biết, thiết kế được thực hiện thủ công bởi cô và mẹ. Trên nền chất liệu xuyên thấu, hai mẹ con chọn lựa sihouette sheath (vừa vặn mọi điềm từ đường viền cổ áo, phần cánh tay đến viền áo). Hình dáng “vỏ bọc” không chỉ tôn lên số đo 3 vòng mà còn tạo độ thoải mái khi di chuyển cho nàng dâu mới. Bản phối ngọc trai dạng chuỗi được đính kết hình sao kết hợp hoa văn chạy dọc nhằm khắc phục nhược điểm đôi chân không thon của Phương Vy. “Hai tháng trời tự tay mẹ đính từng hạt lên áo, hai tháng trời cặm cụi làm cho xong mấy chục cái chuông gió bằng vỏ chai rượu cũ, rồi mày mò từng cái chậu hoa bằng vỏ hộp nhựa... 10 ngón tay bầm tím vì kềm và kẽm, cứng ngắc vì keo dán sắt và sơn, nhức buốt vì búa và đinh. Cả những thứ gần như đã không có giá trị chỉ chờ bị vứt đi mà còn có thể có ích, trở nên giá trị và đáng giá”, Phương Vy bộc bạch.

Xuân Dung