Truyện ngắn Tấm ảnh mùa Xuân

Ảnh minh họa ITN.

Tôi bực sự khoe khoang vô tội vạ của nó. Hai đứa từng là “đôi bạn ngày xưa học chung một lớp” (từ mẫu giáo đến hết lớp 4), nhà cùng xóm nên hay chơi cùng nhưng giờ lên cấp 2, hai đứa thấy nhau chỉ nhìn chứ không muốn mở lời, tình hình tệ đến mức này là do tôi chủ động kiến tạo.

Tôi không muốn đội chung trời với nó. Thấy cái mặt lúc nào cũng xí xọn, chực khoe mẽ là hết muốn chơi. Không ghét sao được, năm nào cũng như năm nào, làm gì mới đầu tháng Chạp mà đứng ngả nào, ngồi tư thế nào cũng nói chuyện quần áo, tóc tai, kẹp cài. Làm như thiên hạ có mỗi nó là biết làm đẹp, biết ết vậy.

Thiệt ra, tôi với nó xưa nay chưa từng có cuộc đụng độ ra tấm ra miếng nào. Tôi (ngầm) không ưa dù biết nó cũng có thiện chí kết bạn. Nhưng tôi không ưng thái độ “mèo khóc chuột” đó. Chắc cũng muốn tìm đứa nào đó chơi để khoe cho hả ấy mà.

Nếu con Nhi khen nó giàu mà không chảnh thì tôi sẽ hếch răng nói thế. Nàng không chảnh thì thế gian này chắc đã xóa sổ cái từ “chảnh” rồi. Hành vi vầy không chảnh thì phải gọi là gì cho đáng.

Ở giữa cái xóm đói ăn đói mặc, mỗi nhà nó kín cổng cao tường. Vì dư ăn dư mặc nên buổi chiều, Nhiệm ta thường mặc chiếc đầm trắng bồng bềnh với những đường đăng ten viền kiểu cách chạy tung tăng khắp xóm. Bà Sáu giúp việc lẽo đẽo theo năn nỉ đút cơm.

Ở nhà mà ăn mặc như công chúa đi dự hội không bằng. Bỏ qua chiếc áo đầm mà tôi chỉ được mặc trong những giấc mơ, tôi muốn nói đến chén cơm của Nhiệm. Trắng tinh, mùi thơm từ chén cơm tỏa ra khiến một đứa nhỏ tộ ăn như tôi phải đứng từ xa căng mũi hít.

Cơm nhà tôi không thơm như vậy. Không bao giờ. Cơm của mẹ là cơm gạo mót, cơm có sạn, chưa nói có lúc còn độn khoai độn sắn. Còn con Nhiệm, cũng chén cơm độn nhưng độn tôm, độn thịt tùm lum. Nhìn thèm không chịu được, mình nước miếng trào ra không kịp nuốt mà nàng thì ỏng ẹo chờ năn nỉ mới chịu há chiếc mồm bé tí. Thấy bắt gai.

Những lúc như thế, tôi quay ra trách ông Xanh bà Mụ. Ông Xanh bất công, còn bà Mụ thiệt biết “chơi khăm”. Đem một đứa nhỏ nghèo khổ bắt làm bạn học, ở cùng xóm của một quý cô thì thiệt là nỗi ngang trái cạn lời.

Ngày thường ngang trái một, sắp Tết ngang trái lên cấp số… nhân. Giữa tháng Chạp, nhà mình cong lưng vì vào vụ cấy thì nhà con Nhiệm mỗi ngày tỏa ra một mùi hương. Làm như thế gian có món bánh mứt nào mẹ nó đều làm tuốt hay sao á. Ngây ngất, thơm điếc cả mũi.

Đấy là chưa nói mới hai lăm Tết nó đã hớn hở đem nhá cái máy ảnh với con Nhi rồi. Còn nói sẽ tổ chức ra sông Ba chơi, chộp ảnh kỉ niệm nữa chớ. Chỉ cần quân số thôi, đồ ăn thức uống nó lo.

Con Nhi hí hửng kể, tôi nói như tạt nước lạnh: Nói thiệt, thèm chộp ảnh thiệt nhưng vụ ý tớ chả ham. Ghét nhất bọn nhà giàu, tớ thì không bao giờ thấy người sang bắt quàng làm họ. Nhục lắm. Từ lúc mẹ sinh ra, cái tự trọng đã to bằng trời rồi. Tớ có kế hoạch Tết của riêng tớ. Tôi mà lên tiếng hú thì kế hoạch của nó sẽ phá sản. Tôi ngó vậy mà từ nhỏ đã có năng khiếu dèm pha, lôi kéo rồi.

Ba mươi Tết, tôi bèn hỏi chị Hai:

- Mùng hai cho em mượn xe đạp nhen?

- Con nít con nôi. Ở nhà, có gì chơi nấy, Tết nhứt xe cộ chạy rần rật, tính đi đâu mà mượn xe?

- Đi với bạn chút thôi. Cho mượn buổi sáng, trưa trả.

- Hỏi mẹ đã.

- Chưa hỏi đã biết sẽ không cho rồi.

Không được vỡ kế hoạch. Không thực hiện được chắc tới sông đâm đầu xuống quá. Tôi lật đật chạy tới nhà con Nhi, bi thiết:

- Bà có xe hông, mai cho tui theo với?

- Xe tui không có ba ga, sao chở mà hỏi?

- Yên tâm, tui sẽ đứng phía sau.

- Nói giỡn chớ mai anh tui đi chơi, tui theo xe con Hải rồi, bà kiếm đứa nào kêu nó đèo dùm.

Ảnh minh họa: ITN.

- Còn đứa nào nữa ?? Hu hu – tôi làm mặt khóc.

- À, biểu thằng Bình ý, nhà nó xe sắp một hàng, nó cũng kết bà mà.

- Ôi trời, kết là ngày thường đi chăn bò có đứa chơi thôi chứ Tết nhứt nó đi chi với tui mà kết.

- Bà ngại thì để tui hỏi dùm cho.

- Thôi, tùy bà! Nhưng bữa đó cứ vậy mà làm, tùy tình hình rồi tính tiếp nha.

Đấy. Âm mưu Tết của tôi chỉ có vậy. Tôi lúc nào cũng trông đợi Tết. Chẳng để làm gì ngoài việc đi chộp một tấm ảnh. Tết năm nay càng phải có ảnh đẹp. Ai nói phải là bố mẹ giàu có, phải bỏ tiền mua máy (như con Nhiệm) thì mùa Xuân mới có ảnh, bằng mọi giá tôi phải có tấm ảnh mùa Xuân.

Nói vậy chắc bạn đã hình dung được mức độ quan trọng của tấm ảnh đó với cô bé tôi rồi. Chứ bạn nghĩ coi, Tết của con nhà nghèo lầm than lắm. Đồ Tết cũng có, có điều là bộ quần xanh áo trắng, mặc chơi Tết rồi vô học mặc luôn, chăn bò quanh năm chứ có chơi nhởi gì mà đòi đầm váy.

Không sao, có cách hết, mẹ không sắm sửa thì tiệm ảnh người ta sắm. Cút kít đạp xe xuống tiệm ảnh, cách nhà chừng 20km, chui vô kho lẫm đầm váy, quần zin, áo pull, tha hồ mà lựa.

À, lại còn có rất nhiều những chiếc mũ kiểu cách, giày thì từ cao gót đến thể thao, muốn kiểu nào cũng có. Mũ cũng vậy, toàn là những chiếc mũ sang chảnh – dù hơi cũ. Lạc vào kho báu thời trang, bình tĩnh chọn cho mình bộ đồ thiệt ưng rồi ra ngồi trước gương, vểnh mặt lên như một công chúa cho thợ trang điểm, rồi mới bước vào phòng chộp ảnh. Nghe đã thấy sướng rồi huống chi trở thành nhân vật trong câu chuyện.

Năm nào tôi cũng bằng mọi giá tận hưởng cảm giác sung sướng ngất ngây đó. Nhưng mọi năm đều ngồi sau lưng cho chị Bé cộ đi, năm nay chị lớn, được mẹ cấp cho chiếc cup đi chơi với bạn nên tôi bị cho ra rìa. Nhưng đời nào chịu thua. Không cam tâm ra chợ chơi lô tô để thua con Nhiệm đâu. Chán òm. Rồi đây hết Tết, nó đem khoe với bạn bè bộ ảnh đẹp, mình biết cắt cái mặt để đâu cho hết nhục. Nghèo thì nghèo nhưng Tết cũng phải có tấm ảnh phủ phê lụa là khoe mẽ cho mát mặt bầu cua chớ.

Kế hoạch đã lên đâu đó. Vậy là sáng mùng 2, sau khi ăn cơm tôi lên khuôn, te te chạy tới nhà con Nhi, hy vọng có thừa xe để theo. Nhưng mới nửa đường, từ đằng xa đã thấy thằng Bình bảnh bao, quần zin áo sơ mi đứng trước cửa nhà con Nhi rồi.

Gì vậy, đừng nói chở tui đi chộp ảnh nghen. À, chắc con Nhi đánh tiếng. Được hông trời, ngó bộ giống mấy người yêu nhau dữ. Nhưng không có chiếc xe nào nhét được nên đành leo lên xe cho Bình chở. Phải ngồi trước sườn của chiếc xe đạp leo núi. Cũng tự thấy mình rất bợm bãi nhưng kệ, đã làm chuyện đại sự thì không nên để ý tiểu tiết.

Đi chưa được nửa đường, Bình hỏi có mỏi không, tôi cười lắc đầu chứ thưa thiệt là muốn móp cái mông sang một bên luôn.

Tới tiệm ảnh, leo xuống đi lững khững như bị tật, bảo Bình chơi đâu đó chừng tiếng đồng hồ rồi quay lại đón. Nói xong, Bình chưa đi tôi đã nôn nóng chui tuốt vào kho đồ. Chao ôi hoa mắt. Năm nay tiệm ảnh bổ sung nhiều đồ quá. Phải lựa một bộ thiệt là độc đáo, phải có được tấm ảnh mà bất cứ đứa bạn nào nhìn vào cũng ngớ người kinh ngạc.

Cục đất nặn thành ông Táo mà. Tại mình rách rưới lem luốc nên cái duyên con gái bị che lấp chứ phủ gấm vóc lên thử thua ai. Mình y như cô công chúa kiều diễm ngủ trong rừng vậy. Mặc đẹp, mắt xanh má hồng, duyên đáo để. Mấy đứa như con Dương, con Na nhìn dễ thương vì nhà giàu, lúc nào cũng bóng rạnh chứ nhìn kĩ đi, mắt mũi miệng có cái nào được sắc sảo như mình. Con Nhiệm càng không có đường. Tôi nghĩ vậy rồi bỗng thấy phấn chấn, bình tĩnh đứng lựa.

Công đoạn chọn đồ là khâu công phu nhất. Túm được hai, ba bộ ưng ý thì chen vào phòng thay đồ, chen lại đứng trước gương, xoay qua xoay lại, nhìn trực diện, nhìn nghiêng, tìm tới chừng nào ưng ý thì mặc luôn bộ đó đi trang điểm.

Ảnh minh họa: ITN.

Đấy là trình tự của mấy năm trước, còn hôm đó tôi gặp phải tình huống xưa nay chưa từng có. Đang loay hoay chọn đồ, tôi và một cánh tay nữa đều chụp chiếc đầm ca rô, kiểu yếm. Tôi hình dung mặc chiếc áo pull trắng sát nách bên trong chiếc yếm đó thì bộ dạng sẽ tinh nghịch đáng yêu biết chừng nào.

Cánh tay trắng trẻo vừa chạm phải tay tôi chẳng ai xa lạ, nhỏ Nhiệm. Đúng oan gia ngõ hẹp luôn. Hay tên Bình tiết lộ với nó chuyện sáng nay chở tui đi chộp ảnh và nó cũng cố đấm ăn xôi nên vào đây tranh đồ. Nghe mấy đứa bảo, nó cái gì cũng Bình ơi, Bình hỡi mà. Cái con chơi nghiệt, nó thiếu thốn món nào mà vào đây tranh.

Tôi giật mạnh chiếc đầm, nó quê tay rút về, nói lí nhí:

- Mình thấy nó trước mà?

- Nói nhiều quá. Quan trọng là đứa nào lấy trước.

- Thôi, bạn mặc chộp trước đi rồi tới mình.

- Bà cấm được mặc.

- Mình tưởng đồ của tiệm thì ai cũng mặc được?

- Nhưng tui không muốn đụng hàng với bà.

- Thế mình đi hỏi chủ tiệm thử mình có được mặc nó không nghen?

Ôi trời, nhất định ăn thua hử? Nghĩ tới cái khát vọng có một tấm ảnh mùa Xuân để rửa mặt có nguy cơ bị con Nhiệm phá tanh bành, tôi câng câng mặt nói:

- Có tin, mày mặc bộ đó vào người xong thì mẹ mày hết nhận ra con gái không?

- Vì quá đẹp hả?

- Đẹp nè, đẹp nè! Mỗi tiếng “ đẹp nè” tôi đưa tay nện ào vào mặt nó. Bầm mặt chớ đẹp gì con chảnh kia.

Mấy đứa Hải, Nhi, Hồng lật đật chạy lại coi. Biết tính tôi nóng hơn Hỏa Diệm Sơn, không đứa nào dám can. Con Nhiệm đúng mít ướt, mới ăn có hai nện đã khóc ầm trời. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, thằng Bình hổng biết từ đầu chui ra mà đứng chình ình trước mặt:

- Thôi, chỗ làm ăn của người ta, đánh đấm khóc la, coi chừng ăn chửi bây giờ.

- Tại… - cả hai đứa đều nói như vậy, ai cũng có nhu cầu thanh minh với “bạch mã hoàng tử” mà. Bình tỏ vẻ trượng phu, nói:

- Không tại ai hết mà tại tui. Thôi, đứng hết lại đây chụp một tấm ảnh rồi tui dắt cả bọn đi ăn chè nè. Hôm nay tui khao mạnh, hy vọng mấy bà đừng nay kình mai cãi nữa.

Con Nhiệm nói:

- Tại tui sảnh sẹ tranh bộ đồ bạn ấy thấy trước - rồi ngó qua tôi nói, mình xin lỗi bạn nha.

Xong, chỉ câu này thôi nó đã lấy hết điểm của thằng Bình rồi. Không thể thua, tôi cũng tranh phần:

- Tớ cũng có lỗi vì ngang ngược và hung dữ. Tớ xin lỗi!

- Ai cũng có lỗi hết! Vậy thì cùng cười thiệt tươi rồi bước ra sảnh chộp ảnh nè.

Tôi ít nhiều miễn cưỡng bước ra. Bình hất vai: Tươi tỉnh lên, như cái bánh bao chiều sao có ảnh đẹp để kỉ niệm. Tui nể tình bà mới chui vô đây chộp ảnh nè, đừng có hung dữ nữa, xấu lắm. Vẫn còn sượng sượng nhưng muốn ghi điểm với hắn nên tôi vui vẻ chộp ảnh.

***

Tôi ngớ người vì ảnh rửa ra rất đẹp. Tôi đứng giữa Bình, Nhiệm và mấy đứa bạn, má hây hây đỏ. Con Nhiệm hí hửng cầm ảnh đi khoe cùng cùng, như cái cách nó vẫn thường làm. Tôi tự nhiên thấy nó cũng hay hay. Đứng chung với công chúa mà đẹp đến vậy, lấn lướt cả nó nhưng nó vẫn đem ảnh đi khoe thì làm gì đến nỗi “không đội trời chung”. Bình vừa nói vừa cười, tôi cũng cười tít mắt.

Nguyễn Thị Bích Nhàn (Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị xã Đông Hòa, Phú Yên)