6 set đồ khác hẳn nguyên mẫu khi lên phim

Xây dựng hình ảnh nhân vật và thiết kế trang phục là những khâu căn bản, đòi hỏi tính chính xác cao. Nhờ có công đoạn thiết kế trang phục, đạo diễn dễ dàng truyền tải được ý niệm, tính cách nhân vật, bối cảnh lịch sử... thông qua kiểu dáng áo quần, phụ kiện hay phong cách làm đẹp.

Gọi là phản ánh lịch sử nhưng không ít lần, khán giả lại bị đạo diễn và các stylist "qua mặt". Vì muốn giúp diễn viên khoe sắc vóc, thiếu kinh phí đầu tư, sơ sài trong khâu chuẩn bị.... hay vì ti tỉ lý do khác mà trang phục trong phim trở nên sai khác với bản gốc, dẫn tới những hiểu lầm về phong cách thời trang trong quá khứ.

Không ai mặc corset như vậy!

Bức chân dung bên phải tái hiện hình ảnh một phụ nữ dưới thời Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất, còn ảnh bên trái là vai diễn "Anne Boleyn", do Natalie Dormer thủ vai trong phim The Tudors . Dẫu tái hiện hình ảnh trang phục giới nữ trong cùng thời kỳ, song nhân vật của Natalie Dormer lại mặc corset mà không dùng kèm áo lót dài tay bên trong. Mặc áo lót bên trong lớp corset vốn là quy định bắt buộc trong thời kỳ này.

Trong phim The Tudors , ngay cả các diễn viên nam cũng bỏ qua lớp áo lót dài tay - một "must have item" ở thế kỷ 16. Lý do là bởi thời gian quay phim quá dài trong thời tiết nóng nực, dàn diễn viên đổ mồ hôi nhiều nên stylist đã quyết định loại bỏ chi tiết này.

Ủng thay vì giày

Trong những bộ phim lấy bối cảnh thế kỷ 16 - 17, các nhân vật nam đi ủng ở khắp nơi: khi ngồi chễm chệ ở ngai vàng, đi tản mát hay thậm chí là đi ngủ. Trên thực tế, đàn ông thời ấy chỉ đi ủng khi cưỡi ngựa, còn khi ở trong nhà, họ thích khoe bắp chân rắn rỏi.

Mái đầu diêm dúa

Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị chưa bao giờ gắn cả bông hoa to tổ chảng lên đầu như tạo hình bên trái (phim Elizabeth: The Golden Age). Bà thường chỉ cài vài bông hoa hoặc trang sức quý hiếm với kích thước nhỏ lên tóc, hoặc đơn giản là đội vương miện.

Áo biker "xuyên không"

Trang phục da thuộc dành cho nam giới đã ra đời từ thế kỷ 16, nhưng được thiết kế với phom dáng tương tự những chiếc áo khoác không có tay hoặc dài tay, được thắt ở eo giúp định hình dáng vóc. Không hiểu êkíp làm phim Anonymous lấy ý tưởng từ đâu mà lại đưa thiết kế áo da biker thập niên 50 "xuyên không" về thế kỷ 16.

Găng tay đâu rồi?

Phim Pride & Prejudice lấy bối cảnh nước Anh những năm cuối thế kỷ 18, thời điểm mà găng tay là chi tiết không thể thiếu trong mỗi set đồ của nữ giới. Nhưng có vẻ như với nhân vật mà Keira Knightley thủ vai, việc có găng tay hay không cũng chẳng quan trọng. Thậm chí, người phụ nữ mặc váy đen ở phía đằng xa cũng cầm ly rượu với đôi tay trần, cho thấy những sai sót khó hiểu của đoàn làm phim.

Tóc ngắn

Thật kỳ lạ khi thấy tài tử Benedict Cumberbatch hóa thân thành Richard đệ tam với mái tóc ngắn. Ở thế kỷ 14 - 15, nam giới thường để mái tóc có độ dài qua tai chứ không cắt ngắn hẳn.

Sai lệch về cả thiết kế và chất liệu váy

Nhà sử học thời trang Bernadette Banner nói, phim Beauty And The Beast lấy bối cảnh vào thế kỷ 18, nhưng chiếc váy mà nhân vật Belle mặc không liên quan gì đến thời kỳ này ngoài độ dài quá khổ. Vào năm 1740, kiểu dáng của chiếc váy sẽ có phần hông rộng hơn nhờ một lớp khung được cố định bên dưới váy.

Chất liệu để may mặc trên thực tế cũng khác với thiết kế trong phim. Chúng nặng hơn, được làm bằng lụa dày, gấm, taffeta và không có mảnh voan nhằm giữ phom dáng cứng cáp. Ngoài ra, corset của phụ nữ thời ấy sẽ ép vào ngực giúp đôn đẩy vòng một, trong khi ngực váy của nhân vật Bella chỉ đơn thuần ôm sát cơ thể.

Bạch Tuyết mặc trang phục gì?

Câu chuyện kinh điển về nàng Bạch Tuyết bắt nguồn từ nước Đức. Có phiên bản cho rằng nguyên mẫu của Bạch Tuyết là Nữ bá tước Margaretha von Waldeck, sống ở thế kỷ 16. Trang phục của phụ nữ thời điểm ấy được khắc họa chân thật trong bức tranh bên phải. Và như bạn thấy đó, nó hầu như chẳng giống chút nào với tạo hình nhân vật của phim Mirror Mirror cả!

Theo bạn, điều nào quan trọng hơn - là sự hoa mỹ của trang phục hay tính chính xác về mặt lịch sử?

Tử Đan