Chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị

Chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Quảng Trị có 2 huyện miền núi là Đakrông và Hướng Hóa, trong đó nhiều xã phần đông bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với đặc thù vùng cao, miền núi nên điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương này còn nhiều khó khăn. Cũng vì thế mà công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số nên cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, việc triển khai các hoạt động của Dự án 7 (Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Dự án 7) bước đầu đã cho thấy những chuyển biến trong công tác dân số, chăm sóc sức khỏe vùng DTTS.

Từ cuối năm 2022, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa tích cực tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe.

Tại huyện Hướng Hóa, từ cuối năm 2022, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa đã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại 14 xã vùng dự án. Tham gia chiến dịch, người cao tuổi DTTS ở huyện Hướng Hóa được khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc một số bệnh thường gặp và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao.

Kết quả, có 2.446 người cao tuổi tham gia chiến dịch khám sức khỏe. Sau khi khám sức khỏe, có 70% đối tượng tham gia truyền thông và khám sức khỏe định kỳ sàng lọc một số bệnh thường gặp.

Bác sĩ Y Liên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ba Tầng cho biết, Ba Tầng là xã miền núi khó khăn, nằm xa trung tâm, hiện có hơn 900 hộ dân sinh sống. Dân số chủ yếu người đồng bào DTTS nên điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Dù vậy, trong thời gian qua công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở địa phương được thực hiện khá hiệu quả.

"Hiện nay cả 7 thôn trên địa bàn xã đều có các nhân viên y tế thôn bản. Mỗi khi người dân đau ốm bệnh tật, nhân viên y tế thôn bản sẽ hỗ trợ, tư vấn cho người dân nên làm như thế nào để bảo vệ sức khỏe. Trước đây, khi đau ốm người dân thường ở nhà tự điều trị bằng việc lên rừng hái thuốc, hoặc cúng bái. Ngày nay việc này đã không còn nữa mà thay vào đó, họ tìm tới Trạm Y tế hoặc lên Trung tâm Y tế huyện để thăm khám. Đây là những chuyển biến tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương xuất phát từ vai trò của các nhân viên y tế thôn bản", bác sĩ Y Liên nói.

Người dân đến thăm khám tại Trạm Y tế xã Ba Tầng.

Bác sĩ Y Liên cũng chia sẻ, thông qua việc triển khai Dự án 7, thời gian qua Trung tâm Y tế huyện phối hợp cùng địa phương tổ chức các đợt thăm khám sàng lọc bệnh thường gặp, tư vấn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi trên địa bàn. Qua đó đã góp phần giúp bà con nhân dân biết, hiểu hơn về vai trò của sức khỏe, có sức khỏe mới có thể lao động sản xuất để phát triển kinh tế.

Nhiều chuyển biến tích cực

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Lâm Chí Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cho biết, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh cho người dân ở trên địa bàn cơ bản được đảm bảo. Một số Trạm Y tế xuống cấp cũng đã có kế hoạch được nâng cấp, sửa chữa từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Trung tâm Y tế huyện đã tích cực phối hợp cùng địa phương triển khai các nội dung thuộc Dự án 7. Năm 2023, từ nguồn vốn hơn 1,4 tỷ đồng được phân bổ, đơn vị đã triển khai khám sàng lọc sức khỏe cho người cao tuổi 14 xã vùng DTTS. Tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn cho lứa tuổi vị thành niên trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hướng dẫn cách chế biến thức ăn tại các thôn, bản có số trẻ em suy dinh dưỡng cao bằng hình thức trình diễn tại chỗ.

Nhân viên y tế khám sàng lọc bệnh thường gặp cho người cao tuổi trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Theo BS. Lâm Chí Đức: "Các hoạt động của dự án đem lại những hiệu quả nhất định. Điển hình, như việc trước đây những người cao tuổi vùng DTTS chỉ khi đau ốm nặng họ mới đi khám tại cơ sở y tế thì giờ đây thông qua việc triển khai khám sàng lọc giúp phát hiện bệnh sớm, qua đó được các bác sĩ tư vấn điều trị, cấp thuốc. Không những vậy, việc tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ đã đem lại những hiệu quả, tác động tốt đối với người dân vùng sâu vùng xa".

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, hiện nay đơn vị đang triển khai các chương trình gồm Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTSS và miền núi (Dự án 7); Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Các chỉ tiêu về y tế).

Trong đó, liên quan đến Dự án 7, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị được bố trí kinh phí thực hiện 14.204 triệu đồng. Năm 2023, được phân bổ, giao kế hoạch vốn là 3.820 triệu đồng.

Theo đó, sẽ triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số.

Từ khi phân bổ kinh phí đến nay, các huyện miền núi đã tích cực triển khai một các hoạt động theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đối tượng hưởng lợi là người DTTS có trình độ văn hóa chưa cao nên việc tiếp nhận thông tin để thay đổi hành vi còn khó khăn. Do đó, để chương trình thực sự đem lại những hiệu quả tích cực, chuyển biến sâu rộng cần sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể các cấp tại địa phương.

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai kiểm tra việc thực hiện công tác chuyên môn của các chương trình. Đồng thời, chỉ đạo việc giải ngân theo nguồn kinh phí cấp trên giao theo quy định để triển khai chương trình, dự án một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Dũng