Chốt đơn 'quá trán', sợ lỡ mã giảm giá

Tiết kiệm thời gian, kết nối người bán dễ dàng, đồng thời tạo giây phút giải trí thoải mái,... là những lý do khiến nhiều bạn trẻ Gen Z lựa chọn chốt đơn trên livestream thay vì mua sắm truyền thống hay các hình thức trực tuyến khác. Tuy nhiên, không ít người cảm thấy hối hận vì lỡ chốt “lố tay”.

Chốt đơn, chốt niềm vui

Các sàn thương mại điện tử cũng như nhiều trang mạng xã hội đang bùng nổ những phiên livestream mua sắm thu về lượng tương tác lớn. Theo báo cáo từ , livestream tiếp cận 69% người dùng tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam trong mùa Lễ hội 2023. Mới đây, kênh TikTok Quyền Leo Daily gây chú ý khi đạt doanh thu khổng lồ, thu về 75 tỷ đồng nhờ livestream bán hàng.

Livestream bán hàng nổi lên như hoạt động kinh doanh sinh lợi, thu hút vô số người làm kinh doanh. Ảnh: nikom1234/iStockphoto.

Phần bình luận trong các livestream đa phần đến từ các bạn trẻ, đặc biệt là ở mặt hàng mỹ phẩm hay quần áo.

Nhiều người khó kìm lòng trước cơn sốt chốt đơn nhanh. Vào các dịp săn sale như lễ, Tết, các dịp ngày đôi, thị trường mua sắm livestream lại sôi động hơn khi càng có nhiều “đất” phát triển.

Hoàng Anh (21 tuổi), nhân viên một chuỗi cà phê/trà ở Hà Nội, chia sẻ bản thân hào hứng với việc chốt đơn trên livestream nhờ những deal giảm giá, những chương trình hấp dẫn mua 1 tặng 1.

Hoàng Anh nói rằng "cảm giác chốt đơn thành công giống như mình đang chiến thắng đường đua nào đó". Ảnh: NVCC.

“Mỗi lần như vậy mọi người chốt đơn lẹ lắm, thêm cả streamer hô hào nữa, không khí đó dễ khiến mình phấn khích chốt đơn, nhất là có mấy phiên đếm ngược 10 giây cuối để chốt sản phẩm trước khi hết mã giảm ấy, cảm giác chốt đơn thành công giống như mình đang chiến thắng đường đua nào đó”, Hoàng Anh nói với Tri thức - Znews.

Ngoài việc có nhiều mã giảm giá hơn, livestream khiến người mua cảm thấy được chăm sóc kỹ càng, tránh khỏi tình trạng đắn đo rồi “nản mua”. Bảo Trân (18 tuổi, Vũng Tàu) thường hay chốt đơn trên livestream, trung bình 10 lần/tháng. Trân thừa nhận trong số đơn hàng được chốt phần lớn đến từ sức hút của việc xem phát trực tiếp.

“Khi xem livestream, mình sẽ được các streamer giải đáp thắc mắc về sản phẩm, còn được xem những bình luận đánh giá đến từ người mua. Vậy nên, mình sẽ không cần phải lướt xem mục thông tin về món đồ đó cũng như mục phản hồi. Điều này giúp mình tiết kiệm được thời gian”, Trân bày tỏ.

Bên cạnh đó, Trân cũng cho rằng livestream mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị về sản phẩm, dễ hình dung về mặt hàng muốn mua.

Mặt hàng nhận về có lúc ưng ý, nhưng cũng có những Trân nhận về sản phẩm không đúng với mong đợi như lời streamer quảng bá, giới thiệu.

Dù bị mua trúng hàng nhái nhiều lần nhưng Nguyễn Giang, sinh viên trường Đại học Kinh Tế .HCM thừa nhận bản thân vẫn mắc bẫy do có nhiều mã giảm giá và giá thành sản phẩm thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, “Số lượng sản phẩm không đủ khi mình đặt nhiều sản phẩm cùng loại, khi mua quần áo thì chất liệu vải ko được như trên livestream”, Giang bộc bạch.

Tương tự, Hữu Tín, hiện là sinh viên năm hai của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: “mỹ phẩm hay quần áo dễ gặp rủi ro nhất vì mỹ phẩm không phải loại nào cũng hợp da mình, còn quần áo thì khó thấy được chất liệu vải cho đến khi nhận hàng, nên đa phần thường chịu thôi”.

Livestream bán hàng được dự báo sẽ tiếp tục nở rộ trong những năm tới. Ảnh: Medium.

Lỡ "chốt" rồi hối hận

Tuy vậy, nhiều bạn trẻ cho biết khi xem livestream, bản thân dễ mắc bẫy tâm lý chốt vội theo lời các streamer đốc thúc. Điều này khiến các bạn trẻ không đắn đo chốt nhanh, chốt vội vì sỡ lỡ mất hàng, mất dịp giảm giá hời.

Thậm chí, có bạn nói rằng bản thân mới là sinh viên nên nguồn thu nhập không nhiều, song nhiều khi chốt đơn “lố tay” mà chấp nhận chịu đói cuối tháng, thậm chí vay xuôi ngược để trang trải.

Sau đó, họ cảm thấy “hối hận” vì vung tiền quá tay.

Gia Huệ (22 tuổi, TP. HCM) cho biết: “Vì xem cuốn quá, rồi món nào cũng cảm thấy rẻ, thấy cần, nên cứ chốt lia lịa, đến khi đơn hàng lên đến tiền triệu lúc nào không hay. Sau những lần vậy lại cảm thấy tội lỗi vì cứ có thói quen chốt đơn kiểu đó”. Hơn nữa, tâm lý đám đông khi thấy nhiều người khác mua sản phẩm cũng có phần kích thích bản thân mua hàng.

“Khi đứng giữa cân nhắc có nên mua nó hay không, thì chỉ cần món hàng đó trên livestream thấy mọi người mua gần hết, mình sẽ ngay lập tức gạt qua chần chừ và quyết định chốt lun tại sợ nó hết”, Huệ chia sẻ.

Theo các chuyên gia, hiệu ứng tâm lý đám đông làm cho người xem tin rằng sản phẩm có nhiều người chốt thì sẽ có chất lượng tốt. Đồng thời, các streamer thường tạo cảm giác cấp bách và khan hiếm về số lượng sản phẩm với chiêu trò đơn hàng ảo. Từ đó, sự kết nối cảm xúc trong livestream có thể gây FOMO - nỗi sợ bỏ lại, khiến người mua không ngần ngại “chốt đơn”.

Ngoài lý do trên, Yến Ngọc - sinh viên RMIT HCM - cho rằng “tâm lý chốt đơn theo cảm xúc” cũng là nguyên do. Ngọc chốt nhiều hơn khi đang trong trạng thái bức bối, tiêu cực. Vậy nên, khi tình cờ bắt gặp hình ảnh tích cực của streamer, em như được truyền năng lượng, và rồi…hào hứng chốt đơn vì nghĩ rằng “mình xứng đáng”.

Khi cảm xúc qua đi, Ngọc chìm trong thắc mắc của chính mình “tại sao mình mua món hàng này”, “mình mua món hàng này từ khi nào”.

Hình thức livestream hấp dẫn các bạn trẻ thông qua kỹ năng, thủ thuật “show” sản phẩm của streamer càng khiến cho họ bị cuốn vào vòng mua sắm theo cảm tính hơn là xuất phát từ nhu cầu thực sự, dẫn đến nhiều trường hợp chi tiền không hợp lý.

Có trường hợp thì đặt được món hàng tưởng hữu ích nhưng sau đó không dùng tới. Hữu Tín cho biết “nhiều bạn xung quanh mình gặp tình trạng đặt hàng vô nghĩa vì chẳng bao giờ dùng đến dù sản phẩm đó thoạt nhìn trông rất hữu dụng”.

Hữu Tín, tín đồ thời trang mê các livestream quần áo. Ảnh: NVCC.

Để tránh tình trạng trên, người mua cần xác định rõ mục đích mua sắm. Bảo Trân đưa ra kinh nghiệm: “Mình nên cân nhắc món hàng trước, ưu tiên sản phẩm cần hơn là sản phẩm thích, sau đó mới vào xem livestream. Và khi xem thì cần cẩn thận đọc bình luận bên dưới vì nhiều nơi chạy feedback ảo, xem ít nhất tầm 10 comment phản hồi tốt thì mới mua”.

Còn Yến Ngọc, cũng rút ra bài học riêng: “Đừng xem livestream trước mà hãy chốt sản phẩm trước, sau đó đợi phiên livestream có sản phẩm đó để có mã giảm rồi mới mua”.

Ngoài ra, “Người mua nên xem livestream ở những shop, cửa hàng cũng như streamer có uy tín để hạn chế tối thiểu tình trạng hàng kém chất lượng”, Hoàng Anh cho biết thêm.

Hoàng Linh