Đội khảo cổ khai quật lăng mộ Ngũ A Ca: Xác thực lời đồn trăm năm về nhân vật Hoàn Châu Cách Cách!

Đối với thế hệ khán giả truyền hình Việt Nam 20 năm về trước, Hoàn Châu Cách Cách chính là một tuyệt tác kinh điển với hệ thống nhân vật đặc sắc, được khán giả ái mộ. Song ít ai biết rằng những nhân vật Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vy, Phúc Nhĩ Khang hay Ngũ A Ca trong phim đều có nguyên mẫu từ đời thực, trong đó Ngũ A Ca là nhân vật xây dựng khá sát với lịch sử.

Nguyên mẫu nhân vật Ngũ A Ca trong Hoàn Châu Cách Cách

Ngũ A Ca, hoàng tử thứ 5 của vua Càn Long, có tên đầy đủ là Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ.

Từ nhỏ Vĩnh Kỳ đã nổi bật trong 27 người hoàng tử, công chúa trong cung bởi vẻ ngoài khôi ngô, lại đa tài đa nghệ, giỏi lịch pháp toán học, lại có tài cưỡi ngựa bắn tên. Ông có tiếng hay chữ, không chỉ giỏi chữ Mãn mà còn thành thục cả chữ Hán, một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là cuốn sách thiên văn "Tiêu thông đằng cảo".

Ngũ A Ca là hoàng tử thứ 5 của vua Càn Long song mẫu thân của ông có xuất thân khá mờ nhạt. Ảnh: Sohu

Mẫu thân của Vĩnh Kỳ, Kha Lý Diệp Đặc thị, vốn chỉ là một phi tần mờ nhạt và ít nói, với thân thế thua xa những nữ nhân khác trong hậu cung Hoàng đế Càn Long.

Song với thực lực của mình, ông được vua Càn Long vô cùng sủng ái, thậm chí còn có nhiều đồn đoán cho rằng vua Thanh muốn truyền lại ngôi báu cho Vĩnh Kỳ.

"Thanh Sử cảo" chép, vào năm 1763, cung Cửu Châu Thanh Yến, nơi Càn Long đang ngự, gặp hỏa hoạn. Công trình gỗ này bắt lửa rất nhanh khiến hoàng đế mắc kẹt trong đại sảnh. Trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, hoàng tử Vĩnh Kỳ 22 tuổi đã xả thân lao mình vào đám cháy để cứu vua cha.

Vĩnh Kỳ được biết tới nhờ dung mạo tuấn tú và tài nghệ trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Sohu

Điều này đã khiến Càn Long vô cùng hài lòng, phong cho Vĩnh Kỳ hiệu Vinh Thân vương. Đáng tiếc là chỉ một năm sau, Vĩnh Kỳ xấu số lại qua đời vì bệnh lao xương - căn bệnh quái ác di truyền trong dòng tộc hoàng gia nhà Thanh.

Sau này, Càn Long đã chọn con trai Lệnh phi là Gia Khánh làm người kế thừa đại nghiệp. Song nhiều người vẫn đồn đoán rằng Càn Long luôn cảm thấy Gia Khánh không xứng đáng với ngôi báu, nếu Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ không bạc mệnh chết yểu thì ngôi báu này đã thuộc về hoàng ngũ tử.

Khai quật lăng mộ Ngũ A Ca, hóa giải lời đồn trăm năm

Năm 1958, hồ chứa nước Mật Vân được xây dựng tại ngoại ô Bắc Kinh, cách thành phố 13km. Tại đây, nhóm công nhân xây dựng đã tìm ra lăng mộ có chứa nhiều di vật liên quan tới Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ.

Tiêu biểu là một món đồ bồi táng có chữ "Vinh" (trong Vinh Thân vương) được khắc bởi chính Càn Long. Nhờ đó, các chuyên gia đã xác nhận đây chính là nơi chôn cất hoàng từ Vĩnh Kỳ.

Lăng mộ này có quy mô lớn hơn hẳn các lăng cấp bậc hoàng tử, đồ tùy táng bên trong vô cùng phong phú, chế tác tinh xảo từ ngọc, vàng và bạc.

Đồ tùy táng ngọc tinh xảo trong lăng mộ Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ. Ảnh: Sohu

Vị trí lăng mộ của lăng mỗ Vĩnh Kỳ cũng được chọn lựa kỹ càng, phong thủy nơi đây được coi là "chân đặt núi hoa sen, đầu chạm núi phượng hoàng", vô cùng đắc địa. Từ năm Càn Long thứ 45, gần vị trí đặt lăng còn có một kho chứa vũ khí, binh lính túc trực liên tục nên sẽ không kẻ nào dám bén mảng xâm phạm.

Có lẽ chính nhờ được chăm sóc, canh phòng cẩn mật mà tới khi được các nhà khảo cổ phát hiện, toàn bộ lăng mộ hoàng tử Vĩnh Kỳ vẫn còn vẹn nguyên, chưa từng bị trộm mộ đột nhập. Điều này khiến công tác di dời, tu bổ lăng mộ trở nên dễ dàng hơn.

Chính việc chuẩn bị hậu sự vô cùng chu đáo cho con đã khiến nhiều nhà sử học tin rằng Càn Long thực sự rất tin tưởng vào Ngũ A Ca và mong muốn truyền ngôi cho người con trai này. Đáng tiếc rằng cuối cùng ngôi báu lại thuộc về Hoàng đế Gia Khánh, đưa nhà Thanh tới nhiều mâu thuẫn xã hội và khép lại thời trị huy hoàng của Khang Hi - Càn Long - Ung Chính.

Theo Tammy/Pháp luật & Bạn đọc