Kỹ xảo điện ảnh nâng tầm phim Việt

Kỹ xảo điện ảnh được dùng trong Trạng tí phiêu lưu ký.

“Phép thuật” điện ảnh

Ngoài kịch bản hay, diễn viên xuất sắc, ê-kíp chuyên nghiệp thì công nghệ là yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên thành công của bộ phim. Ẩn sau những thước phim hoành tráng chính là bàn tay “phép thuật” mang tên kỹ xảo điện ảnh - Visual Effect (viết tắt là VFX).

Sự phát triển của các công nghệ đồ họa và kỹ xảo là một phần hết sức quan trọng để các nhà làm phim có thể chạm tay đến những ý tưởng táo bạo nhất. “Du hành” về quá khứ, lạc vào không gian của một câu chuyện cổ tích hay đắm mình trong bầu không khí kịch tính của những trận chiến oai hùng… Đó là câu chuyện mà khoảng 10 năm trước, khán giả Việt khó lòng có thể tìm thấy trên những thước phim của nước nhà.

Với tốc độ phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới, kỹ xảo, đồ họa trong phim Việt cũng đã có những bước tiến khá ấn tượng. Thị trường mở cửa tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi, trau dồi tay nghề, công nghệ tiên tiến...

Cánh rừng sim đẹp như thơ trong phim điện ảnh “Mắt biếc”, cũng như hình tượng linh thú, thần tiên đầy mê hoặc trong “Trạng tí phiêu lưu ký” - bộ phim điện ảnh có nhiều cảnh kỹ xảo nhất Việt Nam, thực chất là được tái dựng qua công nghệ đồ họa. Gần đây nhất là “Em và Trịnh”, công nghệ VFX cũng đã góp phần tô điểm cho những khung hình trở nên bay bổng và đầy hoài niệm hơn bao giờ hết…

Nhiều người mặc định rằng công nghệ kỹ xảo chỉ có trong các phim hành động, chiến tranh, thần tiên, dã sử... với các cảnh phức tạp như cháy nổ, gãy đổ, khói lửa, phép thuật, biến hóa... Thực chất, kỹ xảo còn là cánh tay đắc lực giúp khuôn hình lung linh hơn, "cứu bồ" những cảnh sai sót trong quá trình quay như cắt dán bầu trời thành xanh trong, tạo cảnh cánh đồng xanh bát ngát dù thực chất cánh đồng đó lởm chởm đất đá, đổi hoặc xóa nhãn hiệu trên ly nước, xóa bảng quảng cáo, cột điện... Do đó gần như không phim nào là không "cầu cứu" tới kỹ xảo. Chuyên viên kỹ xảo được xem như phù thủy hình ảnh.

Ứng dụng kỹ xảo làm phim lịch sử

Nhà sản xuất, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đại diện Aioi Studios – ekip thực hiện kỹ xảo của nhiều bộ phim gần đây - cho hay: “Hãng phim đang ấp ủ loạt dự án về phim lịch sử và cổ tích Việt Nam, các câu chuyện thuộc thể loại hư cấu, kỳ ảo được lấy chất liệu văn hóa Việt Nam. Lịch sử và văn hóa truyền thống Việt Nam là những chất liệu quan trọng và có thể sử dụng ứng dụng các công nghệ kỹ xảo điện ảnh hiện đại”.

Hai trong số các kịch bản phim đang được nhà sản xuất phát triển đã có những thành tích ban đầu: kịch bản phim “Gió thần” (tác giả: Nguyễn Anh Quốc) được giải Ba tại cuộc thi sáng tác kịch bản phim hoạt hình do Cục Điện ảnh tổ chức năm 2020 và kịch bản phim “Phan Xích Long và cuộc biến loạn Nam Kỳ Lục Tỉnh” (tác giả: Minh Vũ và Michelle Tạ) chiến thắng giải Dự án Phim Thương mại xuất sắc nhất tại Gặp gỡ mùa thu 2022.

Đặc biệt, Aioi Studios vừa công bố dự án “Vũ trụ lịch sử đa phương tiện triều Trần”, với trọng tâm là bộ ba phim điện ảnh: “Đại chiến Bạch Đằng Giang”. Là người chịu trách nhiệm sáng tạo chính trong dự án, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ dự án được thực hiện với mong muốn khắc họa một giai đoạn lịch sử Việt Nam đầy biến động nhưng cũng không kém phần huy hoàng. “Nhà Trần là một trong những thời kỳ hoàng kim về quân sự của các triều đại trong lịch sử Việt Nam, với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông và tiêu biểu là trận thủy chiến nổi tiếng nhất trên sông Bạch Đằng năm 1288. Đây là thời kỳ xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử cao quý, từ Trần Hưng Đạo đến Trần Nhân Tông”, vị đạo diễn cho biết.

Điều đặc biệt của vũ trụ triều Trần nằm ở chỗ dự án này không chỉ có phim điện ảnh mà còn bao gồm nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau như phim hoạt hình dài tập, truyện tranh webtoon, tiểu thuyết có tranh minh họa và các trích đoạn minh họa lịch sử có thể dùng như công cụ giáo khoa. Các nhà sáng tạo của Aioi Studios mong muốn khắc họa thế giới lịch sử nhà Trần, bao gồm trang phục, kiến trúc, phong tục, văn hóa và thói quen truyền thống, nhằm từng bước tái dựng tư liệu lịch sử quý giá.

“Chúng tôi mong muốn có cơ hội hợp tác với những nhà nghiên cứu lịch sử, nhà làm phim cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước để dự án phim về triều Trần có thể mang đến niềm tự hào về lịch sử thông qua điện ảnh với công chúng” - đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh cho biết.

Dù đầu tư làm kỹ xảo cho phim khá tốn kém, tuy nhiên các nhà làm phim Việt vẫn cố gắng cập nhật công nghệ, nâng cao trình độ để sáng tạo ra những bộ phim Việt có chất lượng kỹ xảo điện ảnh đầy tinh tế, mang lại hiệu ứng, cảm xúc đẹp tới khán giả.

Thùy Dương