Muốn làm quản lý nghệ sĩ nên chọn học ngành nào?

Hiện nay, chưa có trường đại học nào ở nước ta đào tạo ngành quản lý nghệ sĩ. Tuy nhiên, bạn có thể theo học một số ngành liên quan dưới đây để có thể làm việc ở vị trí này.

Quản lý nghệ sĩ được xem là công việc mơ ước của nhiều bạn trẻ. (Ảnh: FTU Times)

Làm quản lý nghệ sĩ chọn học ngành gì?

Quản lý nghệ sĩ là người đóng vai trò đại diện cho người nổi tiếng, có thể là diễn viên, ca sĩ, người mẫu hoặc KOL. Nhiệm vụ của những người làm nghề này là quản lý hợp đồng, lịch trình, tìm kiếm và chọn lọc cơ hội hợp tác, xúc tiến cho nghệ sĩ. Ngoài ra, họ còn hỗ trợ nghệ sĩ xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá nhân.

Đa số ngành học khởi điểm của những người làm công việc quản lý nghệ sĩ đều liên quan đến Truyền thông, Báo chí, Marketing.

Để có bước đệm tốt nhất với công việc quản lý nghệ sĩ bạn nên tham khảo các ngành học như Truyền thông, Báo chí, Ngôn ngữ, Quan hệ công chúng. Bởi công việc này không chỉ đơn thuần là nhận show hay xếp lịch diễn mà còn phải quản lý nhiều mặt khác. Ví dụ như ngân sách, và góp phần định hướng cho nghệ sĩ.

Đặc biệt, hãy ghi nhớ ngoài ngành học, yếu tố quyết định sự thành công của nghề quản lý nghệ sĩ còn đến từ kỹ năng và kiến thức về ngành giải trí. Do đó, khi làm quản lý nghệ sĩ bạn cần có hiểu biết sâu rộng về ngành giải trí cũng như những khả năng khác.

Một số yếu tố cần có khi làm quản lý nghệ sĩ

Để làm quản lý nghệ sĩ, trước tiên bạn phải có kỹ năng giao tiếp và đàm phán tốt. Việc giao tiếp xuất sắc sẽ giúp người quản lý tương tác dễ dàng hơn với nghệ sĩ, đối tác và công chúng. Đồng thời, trong quá trình thương lượng hợp đồng hay các điều khoản khác, kỹ năng đàm phán khôn khéo và cứng rắn sẽ giúp người quản lý bảo vệ lợi ích của nghệ sĩ.

Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác, nhà sản xuất, nhà quảng cáo và những người khác trong ngành là một phần trách nhiệm của quản lý nghệ sĩ. Nhờ đó, nghệ sĩ mới có thêm cơ hội tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Để giúp nghệ sĩ trở nên nổi tiếng và có nhiều cơ hội phát triển, người quản lý cũng nên có sức sáng tạo và khả năng tiếp thị, từ đó lên kế hoạch quảng bá cho nghệ sĩ qua phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội hiệu quả hơn.

Đồng thời, làm người nổi tiếng không thể tránh khỏi những tin đồn và scandal. Khi nghệ sĩ gặp rắc rối, người quản lý cũng là một trong những người đầu tiên có liên quan. Để giải quyết khủng hoảng truyền thông nhanh và tránh làm sụp đổ hình tượng nghệ sĩ, quản lý nghệ sĩ nên có tư duy đột phá và khả năng giải quyết vấn đề tốt.

Ngoài ra, để làm quản lý nghệ sĩ bạn cần phải nhanh nhẹn, chu đáo, tỉ mỉ, óc quan sát, khả năng chịu áp lực công việc cao. Đặc biệt, phải luôn giữ lòng trung thành với nghệ sĩ, vì đây chính là đạo đức nghề nghiệp của nghề quản lý nghệ sĩ.

Anh Anh (Tổng hợp)