Người thành công dám thất bại

Người thành công luôn luôn là người dám thất bại, họ không phải chưa từng bị đánh gục, mà là sau khi bị đánh gục, họ vẫn có thể mạnh mẽ đứng lên và dũng cảm tiếp tục tiến về phía trước.

Whittier – nhà thơ người Mỹ từng nói rằng: “Những người chưa từng thành công thì ít khi thất bại, những người chưa từng leo cao thì ít khi ngã đau.” Muốn thắng thì đừng sợ thua, muốn có được sự huy hoàng của cuộc đời thì đừng sợ phải nếm trải thất bại hay đả kích. Chiến thắng vốn rất đáng tự hào, nhưng những người từng nếm trải thất bại trong quá trình phấn đấu cũng rất đáng tôn trọng. Chỉ cần bạn dám thất bại, nhất định vẫn sẽ có cơ hội làm lại từ đầu.

Trong cuộc sống thường ngày, bạn chắc hẳn đã không ít lần gặp phải những tình huống như thế này: Bạn mua một mẫu túi mới, vừa đeo ra ngoài thì phát hiện có rất nhiều người cũng đeo chiếc túi y như bạn, bỗng cảm thấy chiếc túi này quá là phổ biến. Nâng lên đặt xuống mãi cuối cùng cũng “chốt hạ” được một bộ cánh trông có vẻ khá đặc biệt, nhưng vừa mặc ra ngoài đã đụng hàng người khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Jill Wellington/Pexels.

Lúc mua một thứ gì đó, cái bạn “ngắm trúng” chính là tính thiểu số của thứ đó, nhưng đến lúc mua về tay rồi mới phát hiện ra là quá đại chúng. Điều này rốt cuộc là tại sao? Định luật Murphy nói rằng: Một khi bạn nghe được một từ nào mới, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy nó sau đó.

Thực ra, đây không phải là một vấn đề gì khó lý giải. Tâm lý học có một hiệu ứng mang tên “hiệu ứng võng mạc”, có nghĩa là, khi chúng ta sở hữu một thứ gì đó hoặc có một đặc điểm gì đó, chúng ta sẽ không thể kiềm chế được việc chú ý hơn xem người khác liệu có sở hữu món đồ hoặc đặc điểm như chúng ta không.

Thế nên, khi chúng ta lái một chiếc xe mẫu mới, mặc một bộ quần áo mới, thì sẽ đặc biệt chú ý xem liệu người khác có lái xe và mặc bộ quần áo giống như mình không, kết quả là đương nhiên sẽ phát hiện được nhiều người như thế hơn so với bình thường.

Một phụ nữ chuẩn bị mua một chiếc xe để khỏi phải đi bộ vì nơi làm việc cách nhà khá xa. Sau khi chọn lựa kỹ càng, cô ấy mua một chiếc xe màu trắng bạc rất cá tính, cô ấy thích cảm giác khác biệt so với số đông như thế này. Cô ấy cho rằng, chiếc xe với màu sắc như vậy rất hiếm gặp, điều này sẽ giúp cô ấy nổi bật giữa đám đông.

Thế nhưng, sau khi mua về tay, cô ấy mới nhận ra, dù là trên đường cao tốc hay trong những con ngõ nhỏ, thậm chí là ở bãi đỗ xe của tòa nhà văn phòng, đâu đâu cũng thấy có những chiếc xe cùng mẫu mã, cùng màu sắc với xe của mình.

Cô ấy bắt đầu cảm thấy kỳ quặc, tại sao lúc đầu chẳng mấy khi nhìn thấy những chiếc xe màu trắng bạc thế này, thế mà bây giờ tự dưng lại thấy nhiều như thế? Cô ấy đem việc này chia sẻ với một đồng nghiệp đang mang thai, nghe cô ấy nói xong, người đồng nghiệp trả lời: “Mình thì không nhìn thấy có quá nhiều xe màu trắng bạc, nhưng dạo này mình lại phát hiện ra, dù đi đâu cũng rất dễ bắt gặp các bà bầu.”

Bạn thấy đấy, đây chính là hiệu ứng võng mạc. Chúng ta nói về hiện tượng này ở đây để làm gì? Các nhà Tâm lý học cho rằng, hiệu ứng võng mạc có ảnh hưởng rất sâu xa đến hành vi và tâm lý của con người. Dale Carnegie từng nói: Trong số những đặc điểm của con người, có khoảng 80% là ưu điểm, chỉ khoảng 20% là khuyết điểm.

Khi một người chỉ biết đến khuyết điểm mà không biết khai thác ưu điểm của bản thân, “hiệu ứng võng mạc” sẽ khiến người đó phát hiện ra rằng xung quanh họ có rất nhiều người có cùng chung khuyết điểm giống như mình, từ đó khiến các mối quan hệ của họ không thể được cải thiện, cuộc sống cũng không lấy gì làm vui vẻ.

Lý Thế Cường/NXB Văn học - Bách Việt Books