Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tràn dịch màng phổi có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nhau.

1. Tràn dịch màng phổi là gì?

Màng phổi của người gồm có hai lá là màng phổi tạng (phủ ngoài nhu mô phổi) và màng phổi thành (phủ ở mặt trong của lồng ngực), giữa hai lá màng phổi này tạo thành một khoang gọi là khoang màng phổi. Trong điều kiện bình thường, màng phổi thành và màng phổi tạng sẽ áp sát vào nhau, trong khoang màng phổi chỉ tồn tại một lượng dịch rất nhỏ (khoảng 0,13ml/kg trọng lượng cơ thể) gần như không đáng kể có tác dụng bôi trơn, giảm ma sát giữa hai lá thành và lá tạng khi hô hấp.

Chính bởi vì bình thường trong khoang màng phổi có chứa rất ít dịch, nên khi có tình trạng xuất hiện dịch bất thường trong khoang màng phổi xảy ra, người ta gọi đây là tràn dịch màng phổi.

Tràn dịch màng phổi là tình trạng xuất hiện dịch bất thường trong khoang màng phổi (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân tràn dịch màng phổi

Như đã nói, tràn dịch màng phổi có thể là dấu hiệu của rất nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Do đó, nguyên nhân tràn dịch màng phổi cũng hết sức đa dạng, có thể kể đến như:

- Các bệnh lý gây giảm áp lực keo của máu: Các bệnh lý xơ gan, hội chứng thận hư, suy dinh dưỡng,... gây giảm albumin máu, nên làm giảm áp lực keo của máu và khiến dịch trong lòng mạch thoát ra ngoài khoang màng phổi.

- Các bệnh lý gây tăng áp lực thủy tĩnh trong tuần hoàn phổi: Suy tim sung huyết, hội chứng tĩnh mạch chủ trên,... gây tình trạng ứ máu , tăng áp lực ngược dòng lên tuần hoàn phổi, hậu quả là áp lực thủy tĩnh trong các mạch máu phổi tăng cao. Hậu quả là dịch trong lòng mạch có xu hướng bị đẩy ra ngoài khoang màng phổi.

- Giảm áp lực âm trong khoang màng phổi: Trong một số tình trạng bệnh lý như xẹp phổi,... lá tạng của màng phổi giảm khả năng co giãn cùng với lá thành khi lồng ngực nở ra. Điều này khiến cho áp lực trong khoang màng phổi giảm xuống, hình thành xu hướng kéo dịch vào khoang màng phổi để cân bằng áp lực.

- Các bệnh lý gây thay đổi tính thấm của màng phổi: Thay đổi tính thấm của màng phổi do tình trạng viêm, lao màng phổi, các bệnh lý ác tính,... cũng là một trong các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi.

- Bệnh lý tự miễn: Một số bệnh lý tự miễn như lupus hay bệnh viêm khớp dạng thấp cũng được biết đến có khả năng gây tràn dịch màng phổi.

- Chấn thương: Chấn thương xảy ra gây đụng dập nhu mô, tổn thương mạch máu, đầu xương sườn gãy chọc vào nhu mô phổi,... khiến máu chảy vào khoang màng phổi gây nên tràn dịch màng phổi. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt về bản chất dịch trong trường hợp này là máu, do đó người ta dùng tràn máu màng phổi để mô tả các trường hợp trên.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn có khá nhiều các nguyên nhân khác nhau có thể gây tràn dịch màng phổi như thuyên tắc phổi, bất thường hệ thống bạch huyết,... Nhưng nhìn chung, trong hầu hết các trường hợp thì tràn dịch màng phổi đều là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nhất định.

*Tràn dịch màng phổi có lây không?

Qua những nguyên nhân tràn dịch màng phổi như đã nêu, có thể thấy rằng tràn dịch màng phổi không phải là một tình trạng có thể lây nhiễm từ người sang người. Mặc dù một số nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi như lao có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành, nhưng khi này bệnh lao là bệnh do lây nhiễm còn tràn dịch màng phổi chỉ đóng vai trò là hậu quả do bệnh lao gây nên.

Đọc thêm:

Bị tràn dịch màng phổi khi mang thai và câu chuyện "cổ tích" có thật của bà mẹ trẻ

Tư thế nằm cho bệnh nhân đang điều trị tràn dịch màng phổi

3. Phân loại tràn dịch màng phổi

Có nhiều cách phân loại tràn dịch màng phổi khác nhau đang được áp dụng trên thực tế như dựa theo tràn dịch màng phổi có biến chứng hay không biến chứng,... Tuy nhiên cách thường được áp dụng hàng đầu là phân loại tràn dịch màng phổi theo bản chất dịch màng phổi, bao gồm hai loại:

- Tràn dịch màng phổi dịch thấm: Xuất hiện trong tràn dịch màng phổi do các nguyên nhân như suy tim, suy gan, hội chứng thận hư, suy dinh dưỡng,... Trong dịch màng phổi có chứa ít protein, chỉ chứa rất ít tế bào, trong suốt và có màu vàng chanh.

- Tràn dịch màng phổi dịch tiết: Là dịch được sinh ra do các quá trình viêm nhiễm,... nên có nhiều bạch cầu, protein, vi khuẩn, hồng cầu, fibrin. Xuất hiện ở tràn dịch màng phổi do các nguyên nhân như viêm viêm do vi khuẩn, lao, các bệnh lý ác tính, chấn thương,...

4. Triệu chứng tràn dịch màng phổi biểu hiện như thế nào?

Khi có tràn dịch màng phổi xảy ra, nó có thể biểu hiện bằng rất nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm cả các triệu chứng tại phổi và ngoài phổi. Các triệu chứng tràn dịch màng phổi hay gặp nhất bao gồm:

- Khó thở: Khó thở là triệu chứng tràn dịch màng phổi hay gặp nhất trên thực tế. Bệnh nhân khó thở do dịch trong khoang màng phổi cản trở sự giãn nở của phổi. Dịch màng phổi các nhiều thì biểu hiện khó thở của bệnh nhân càng tăng. Mới đầu, khi lượng dịch màng phổi còn ít thì bệnh nhân thường cảm thấy nằm nghiêng về phía bên lành sẽ dễ thở hơn, nhưng đến khi lượng dịch nhiều thì các bệnh nhân lại cảm thấy nằm nghiêng về phía bên tràn dịch dễ chịu hơn.

- Đau ngực: Trong các triệu chứng của tràn dịch màng phổi, đau ngực cũng là biểu hiện rất thường gặp. Đau ngực trong triệu chứng tràn dịch màng phổi có thể do nhiều cơ chế như màng phổi bị kích thích do chuyển động, hoặc do chính các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi khiến bệnh nhân bị đau.

Đau ngực có thể chỉ khu trú tại chỗ hoặc cũng có thể lan sang các vị trí khác của cơ thể chẳng hạn như lên vai, ra sau lưng,...

Đau ngực là một triệu chứng thường gặp trong tràn dịch màng phổi (Ảnh: Internet)

- Ho: So với khó thở, ho do triệu chứng tràn dịch màng phổi thường ít gặp hơn. Nguyên nhân chủ yếu là bởi màng phổi bị kích thích khi chuyển động gây ho. Khi tràn dịch màng phổi nhiều lên, khiến lá thành và lá tạng không còn chạm vào nhau nữa thì ho sẽ mất đi.

- Lồng ngực hai bên mất cân đối: Đây là biểu hiện chỉ gặp trong những trường hợp tràn dịch màng phổi lượng nhiều, khi tràn dịch màng phổi lượng ít không đánh giá được. Hai bên lồng ngực của bệnh nhân trở nên mất cân đối, không còn đều nhau, khoang liên sườn (rãnh tạo bởi bờ trên và bờ dưới hai xương sườn liền kề) giãn rộng ra,...

- Các triệu chứng ngoài phổi: Ngoài các triệu chứng tràn dịch màng phổi tại phổi thì người bệnh còn có thể có biểu hiện ngoài phổi do các bệnh lý nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi như sốt, phù, mệt khi vận động và sinh hoạt bình thường,...

5. Xét nghiệm tràn dịch màng phổi

Để xác định chính xác bệnh nhân có bị tràn dịch màng phổi hay không, ngoài dựa trên các triệu chứng tràn dịch màng phổi thì các xét nghiệm cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

- Chọc dò màng phổi: Chọc dò màng phổi thấy có dịch màng phổi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán tràn dịch màng phổi. Dịch chọc dò được có thể đem làm xét nghiệm để phân loại, chẩn đoán nguyên nhân, làm kháng sinh đồ,... Tuy nhiên, đây là một thủ thuật xâm lấn, do đó cần được áp dụng thận trọng và có thể cho kết quả không chính xác khi bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi lượng ít.

- Chụp X-Quang ngực: Chụp X-Quang là một xét nghiệm thường quy được sử dụng trong chẩn đoán tràn dịch màng phổi, phát hiện được khi tràn dịch màng phổi nhiều hơn 150ml. Nếu bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, phim X-Quang cho thấy hình ảnh góc sườn hoành bị mờ, dịch trong khoang màng phổi, các khoang gian sườn bị giãn, hình ảnh đường cong damoiseau,...

Dựa trên hình ảnh Xquang, chia làm ba mức độ tràn dịch màng phổi là tràn dịch màng phổi lượng ít (chỉ có hình ảnh mờ góc sườn hoành), tràn dịch màng phổi lượng vừa (hình ảnh đường cong damoiseau) và tràn dịch màng phổi lượng nhiều (mờ toàn bộ trường phổi).

- Chụp CT-Scanner: Chụp CT-Scanner có thể được xem xét để đánh giá chi tiết hơn trong các trường hợp tràn dịch màng phổi lượng ít cũng như tìm kiếm các nguyên nhân tràn dịch màng phổi.

- Siêu âm: Siêu âm ngày càng được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán các trường hợp tràn dịch màng phổi bới tính chính xác cao, không xâm lấn, người bệnh không cần tiếp xúc với tia phóng xạ,... nên có thể được làm nhiều lần và áp dụng được cho cả phụ nữ đang mang thai.

Bên cạnh các xét nghiệm tràn dịch màng phổi như trên thì bác sĩ còn có thể cho bệnh nhân làm các xét nghiệm khác để đánh giá đầy đủ về tình trạng bệnh như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đờm, xét nghiệm đường máu, sinh thiết màng phổi,...

Hình ảnh tràn dịch màng phổi trên siêu âm - Ảnh: Internet

6. Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?

Để đánh giá một trường hợp tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không cần dựa vào rất nhiều yếu tố như nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi, mức độ tràn dịch màng phổi,...

Trong ngắn hạn, hậu quả nguy hiểm nhất mà tràn dịch màng phổi gây nên chính là cản trở khả năng hô hấp của người bệnh. Nếu tình trạng tràn dịch màng phổi diễn ra quá nặng nề, nó thậm chí có thể khiến bệnh nhân bị suy hô hấp. Hoặc nó cũng có thể bị biến chứng viêm nhiễm do nhiễm trùng thứ phát dịch màng phổi,...

Về lâu dài, tràn dịch màng phổi có thể để lại nhiều di chứng khác nhau cho bệnh nhân kể cả khi đã được điều trị bao gồm:

-Dính màng phổi

- Dày màng phổi

- Dày dính màng phổi

- Vôi hóa màng phổi

- Viêm mủ màng phổi do lao

- Tràn mủ màng phổi ác tính

7. Tràn dịch màng phổi chữa được không?

Bởi vì tràn dịch màng phổi có khả năng gây nhiều nguy cơ cả trong ngắn hạn và dài hạn, do đó tràn dịch màng phổi chữa được không thực sự là một vấn đề nhận được nhiều thắc mắc. Và trên thực tế thì tràn dịch màng phổi có thể chữa được, việc điều trị tràn dịch màng phổi được chia là hai công việc chính là điều trị triệu chứng tràn dịch màng phổi và điều trị nguyên nhân tràn dịch màng phổi.

7.1. Điều trị triệu chứng tràn dịch màng phổi

- Thở oxy: Khi bệnh nhân khó thở nhiều do tràn dịch màng phổi dẫn đến suy hô hấp, người bệnh cần được cung cấp bổ sung oxy bằng cách cho bệnh nhân thở oxy.

Bệnh nhân tràn dịch màng phổi có thể được thở oxy nếu biểu hiện suy hô hấp (Ảnh: Internet)

- Chọc tháo dịch màng phổi: Chọc tháo dịch màng phổi khi dịch màng phổi nhiều. Bác sĩ sẽ sử dụng một kim chuyên dụng, đâm xuyên qua thành ngực của bệnh nhân vào đến khoang màng phổi để dịch màng phổi chảy ra ngoài. Chọc tháo dịch màng phổi vừa có hiệu quả giúp lấy bớt dịch màng phổi vừa có thể sử dụng dịch màng phổi thu được đem đi làm xét nghiệm. Nếu dịch màng phổi quá nhiều mà không thể lấy hết trong một lần duy nhất, bệnh nhân có thể sẽ cần phải chọc tháo dịch màng phổi vài ba lần để lấy hết dịch.

- Dẫn lưu màng phổi: Khi tình trạng tràn dịch màng phổi của bệnh nhân bị tái phát nhanh chóng sau khi tiến hành chọc dịch, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp dẫn lưu dịch màng phổi để dịch màng phổi được tạo ra sẽ liên tục bị dẫn ra ngoài và không tích tụ trong khoang màng phổi.

- Gây dính màng phổi: Gây dính màng phổi là phương pháp điều trị tràn dịch màng phổi thường dùng cho các trường hợp tràn dịch màng phổi thường xuyên tái phát, nhất là do ung thư. Các loại thuốc sẽ được bơm vào khoang màng phổi, khiến hai lá màng phổi tại đó dính lại với nhau ngăn chặn nguy cơ tích tụ dịch.

- Phẫu thuật: Với các trường hợp đặc biệt mà không thể tiến hành chọc tháo hãy dẫn lưu, màng phổi xơ cứng hoặc có các khuyết tật cơ hoành,... thì phẫu thuật là phương pháp sẽ được xem xét sử dụng để điều trị.

7.2. Điều trị nguyên nhân tràn dịch màng phổi

Nếu chỉ điều trị các triệu chứng tràn dịch màng phổi thì tình trạng của bệnh nhân có thể được cải thiện trong nhất thời, tuy nhiên sau đó tràn dịch màng phổi vẫn sẽ xuất hiện trở lại. Chính vì thế, song song với điều trị triệu chứng tràn dịch màng phổi thì còn cần phải điều trị tích cực các nguyên nhân tràn dịch màng phổi, chẳng hạn như:

- Điều trị kháng sinh với tràn dịch màng phổi do nguyên nhân viêm nhiễm,...

- Điều trị lao nếu tràn dịch màng phổi do lao

- Hóa trị, xạ trị cho bệnh nhân ung thư,...

7.3. Điều trị tràn dịch màng phổi mất bao lâu?

Không có ước lượng thời gian chính xác để một bệnh nhân tràn dịch màng phổi có thể bình phục hoàn toàn. Một số các trường hợp tràn dịch màng phổi có thể được điều trị khỏi nhanh chóng như tràn dịch màng phổi do viêm nhiễm. Nhưng cũng có những trường hợp mà tràn dịch màng phổi kéo dài dai dẳng, thường xuyên tái phát như trong các nguyên nhân tràn dịch màng phổi là bệnh lý mãn tính như xơ gan, suy tim, ung thư,...

8. Bệnh nhân tràn dịch màng phổi nên ăn gì?

Để quá trình hồi phục của bệnh nhân được diễn ra nhanh chóng hơn, vấn đề bệnh nhân tràn dịch màng phổi nên ăn gì cũng cần phải được quan tâm đầy đủ.

Các khuyến cáo dinh dưỡng đối với bệnh nhân tràn dịch màng phổi cho rằng, người bệnh tràn dịch màng phổi cần được đảm bảo chế độ ăn với đầy đủ các nhóm dinh dưỡng bao gồm đường bột, chất đạm, chất xơ và chất béo. Tuy nhiên lượng chất béo nên được hạn chế bớt so với bình thường.

Các loại nước ép trái cây cũng có tác dụng rất tích cực trên bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, do đó có thể tăng cường sử dụng. Nhưng nếu người bệnh đang có các tình trạng ứ nước trong cơ thể như phù,... thì cần phải hạn chế lượng nước sử dụng.

Ngoài ra, người bệnh tràn dịch màng phổi cũng cần lưu ý tránh sử dụng quá nhiều muối ăn, không uống rượu bia, thuốc lá, kiêng ăn các loại thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh.

Qua đây có thể thấy rằng, tràn dịch màng phổi là một tình trạng nguy hiểm, triệu chứng cảnh báo nhiều căn bệnh khác nhau. Do đó, nếu có các biểu hiện triệu chứng của tràn dịch màng phổi, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời bằng các phương pháp thích hợp.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.healthline.com/health/pleural-effusion#outlook

2. https://emedicine.medscape.com/article/299959-overview#a4

3.https://www.webmd.com/lung/pleural-effusion-symptoms-causes-treatments

QN