Phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023

Quang cảnh buổi lễ phát động.

Tuần lễ LMAT diễn ra từ ngày 1 - 7/10 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030. Các hoạt động chủ yếu gồm: truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Mục tiêu, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng ĐBDTTS&MN tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về LMAT; cung cấp thông tin LMAT cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương, ít nhất 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã và ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã…

Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Ngành Y tế đã hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong 20 năm qua. Trong đó, tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm hơn 2 lần (từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰). Tuy nhiên, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á về tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế 51 tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế ở địa phương tổ chức Tuần lễ LMAT theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, cán bộ y tế và mỗi người chồng, người cha, người thân trong gia đình, mọi người hãy quan tâm chăm sóc phụ nữ mang thai, chăm sóc trẻ em; tích cực ủng hộ và tham gia Tuần lễ LMAT 2023 để nâng cao sức khỏe, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em ở Việt Nam.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023.

Các bạn trẻ tìm hiểu hoạt động trưng bày, giới thiệu về làm mẹ an toàn.

Phát biểu tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh Hòa Bình có 59 xã khu vực III. Đây cũng là địa bàn người dân được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện chương trình, trong đó có Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng, tỉnh Hòa Bình đã và đang tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn như: Cung cấp các gói dịch vụ LMAT, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp, trong đó có hoạt động Tuần lễ LMAT với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của ĐBDTTS đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Tính đến hết tháng 9/2023, tại tỉnh Hòa Bình có 99% bà mẹ, trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc y tế trước, trong và sau sinh đúng quy định, giảm thiểu tai biến sản khoa. Không có trường hợp tử vong mẹ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi thấp hơn so với trung bình cả nước...

Đỗ Hà