Quận Hoàng Mai: Xử phạt 31 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai Nguyễn Xuân Trung cho biết, quận Hoàng Mai có dân số dân đông với xấp xỉ 700.000 người (cả thường trú và tạm trú). Trên địa bàn quận có chợ đầu mối phía Nam và nhiều chợ dân sinh nằm rải rác trong các khu dân cư, cộng với đặc điểm là vùng trũng, thấp nên hệ thống thoát nước của TP đều đi qua. Vì vậy, việc bảo đảm ATTP trên địa bàn thời gian qua luôn được UBND quận Hoàng Mai quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tích cực.

Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND quận chỉ đạo triển khai thường xuyên các hoạt động kiểm tra vệ sinh ATTP gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, trên địa bàn đã thành lập 18 đoàn kiểm tra, trong đó cấp quận 4 đoàn (gồm 2 đoàn liên ngành, 2 đoàn thanh tra chuyên ngành), cấp phường 14 đoàn/14 phường nhằm tổ chức kiểm ra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP.

Các cửa hàng ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Hoàng Mai ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP và phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Kết quả, trong số 186 lượt cơ sở kiểm tra, có 155 cơ sở đảm bảo (chiếm tỷ lệ 83,33%). Đoàn liên ngành đã xử phạt 31 cơ sở, với số tiền 227 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là về điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người.

Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm, UBND quận Hoàng Mai cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung cho công tác cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, ký cam kết đảm bảo ATTP.

Cụ thể, đã tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phối hợp với Chi cục VSATTP thẩm định cho 12 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tiếp nhận ký cam kết đảm bảo ATTP của các trường học trên địa bàn.

Đặc biệt, quận tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vùng sản xuất, các chuỗi cung ứng thực phẩm, nông, lâm, thủy sản an toàn được xác nhận, trong đó có rau Lĩnh Nam. Sản phẩm của chuỗi cung ứng đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn cho các bếp ăn tập thể, nhu cầu sử dụng thực phẩm hằng ngày của người tiêu dùng, nhất là người dân tại các khu vực phong tỏa, cách ly y tế trên địa bàn quận.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, quận Hoàng Mai cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền kiến thức về vệ sinh ATTP đến người dân.

Cụ thể, trên hệ thống loa phát thanh của 14 phường, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi 10 phút tuyên truyền các văn bản về ATTP đặc biệt là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Cùng với đó, đưa nội dung tuyên truyền vào các hội nghị của phường và tổ dân phố.

Tại các trục đường chính, các chợ dân sinh và khu dân cư trên địa bàn quận luôn treo panô, khẩu hiệu tuyên truyền về ATTP. UBND các phường thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phổ biến thực hiện Đề án và các quy định của pháp luật và Thành phố về quản lý kinh doanh trái cây trên loa truyền thanh với thời lượng 3 lần/tuần.

Ngoài ra, quận cũng phối hợp với các hội, đoàn thể để tuyên truyền chính sách, pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xử lý về chất lượng an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, từ ngày 14/10, TP Hà Nội cho phép các nhà hàng, quán ăn được phép kinh doanh tại chỗ nhưng không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn, tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19, khách hàng thực hiện quét mã QR… Các phường đã tích cực vào cuộc tuyên truyền người dân thực hiện dưới nhiều hình thức như loa phát thanh, dán thông báo…

Đồng thời, lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về vệ sinh ATTP cũng như công tác đảm bảo phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai Nguyễn Xuân Trung cũng chỉ ra một số tồn tại trong đảm bảo vệ sinh ATTP. Cụ thể, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vệ sinh không thường xuyên còn nhiều bụi bẩn, giấy khám sức khỏe đã hết thời hạn.

Còn hộ kinh doanh thực phẩm thiếu giá kệ, để thực phẩm trực tiếp xuống nền nhà không đảm bảo. Hợp đồng mua bán thực phẩm còn để quá hạn, không có dấu xác nhận địa phương người bán; hóa đơn mua thực phẩm không đầy đủ; gia vị dùng để chế biến thực phẩm không dán nhãn ghi từng hộp. Xét nghiệm nhanh (tinh bột, dấm, hàn the, nước sôi) tại một số cơ sở thức ăn đường phố còn chưa đạt. Chưa có cán bộ chuyên trách, thiếu lực lượng cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ tập huấn kiến thức, kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái, từ nay đến cuối năm, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng quận sẽ tiếp tục triển khai công tác bảo đảm ATTP, tập trung vào thời điểm cuối năm, sát Tết, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao.

Đặc biệt, đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh tại các chợ đầu mối như chợ đầu mối phía Nam, chợ cá Yên Sở... Tập trung xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm để tạo sức răn đe. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục, cảnh báo, phản ánh các hành vi vi phạm về ATTP... để người dân nắm được và có những lựa chọn phù hợp. Cùng với đó, tổ chứ các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá những cơ sở sản xuất kinh doanh ATTP trên địa bàn quận.

Vũ Lê