Thế giới Di động (MWG) bán 5% cổ phần Bách Hóa Xanh cho ai?

Theo thông báo từ CTCP Đầu tư ế giới Di động (mã MWG), tháng 4/2024 Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (Đầu tư Bách Hóa Xanh), là một trong những công ty con của MWG đã hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thông tin về danh tính của các nhà đầu tư vẫn chưa được công bố.

Theo thông báo từ MWG, tỷ lệ cổ phần chào bán là 5% trên tổng số cổ phần đã phát hành của Đầu tư Bách Hóa Xanh. Số tiền thu được từ đợt chào bán này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và phát triển tổng thể của Bách Hóa Xanh.

Tỷ lệ chào bán giảm đáng kể so với kế hoạch ban đầu là 20%, do Thế giới Di động không còn nhu cầu huy động vốn nhiều hơn.

Trước đó, theo thông tin từ Reuters, Công ty CDH Investments của Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đàm phán để mua một phần cổ phần thiểu số của Bách Hóa Xanh từ Thế giới Di động, trong một thỏa thuận được ước tính có thể định giá chuỗi bán lẻ này lên tới 1,7 tỷ USD.

Ngoài ra, vào tháng 1/2024, Thế giới Di động đã thông qua việc cho phép công ty con của mình, Công ty Cổ phần Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh, thực hiện chào bán cổ phần phổ thông riêng lẻ cho các nhà đầu tư tiềm năng, nhằm phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh nói chung.

Trong kế hoạch mới này, số lượng cổ phần chào bán dự kiến từ 5% đến tối đa 10% tổng số cổ phần và dự kiến triển khai trong nửa đầu năm 2024. Điều này cho thấy sự điều chỉnh lớn với kế hoạch ban đầu của MWG vào năm 2022 là sẽ chào bán tối đa 20% cổ phần tại chuỗi Bách Hóa Xanh.

Theo MWG, sự thay đổi này phản ánh kết quả kinh doanh tích cực và diễn biến dòng tiền tích lũy trong năm 2023, từ đó không cần huy động vốn tối đa lên đến 20% như kế hoạch ban đầu.

Từ khi ra đời vào năm 2015, Bách Hóa Xanh được cho là "át chủ bài" trong hệ sinh thái của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG).

Mặc dù đã có nỗ lực mở rộng cửa hàng và tăng cường độ phủ sóng ở nhiều khu vực trên toàn quốc từ năm 2015 đến 2020, nhưng trong giai đoạn này, Bách Hóa Xanh chưa một lần đạt được điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao).

Tuy nhiên, năm 2021 là một cột mốc quan trọng khi chuỗi Bách Hóa Xanh trở thành một trong số ít các doanh nghiệp mở cửa và hoạt động kinh doanh trong mùa dịch. Điều này đã dẫn đến việc lần đầu tiên EBITDA của công ty đạt số dương. Tuy nhiên, năm 2021 cũng là năm mà chuỗi Bách Hóa Xanh gặp nhiều vấn đề, như tăng giá hàng hóa trong mùa dịch, không niêm yết giá, bán hàng quá hạn, và có một số cửa hàng bị phạt.

Sang năm 2022, khi hoạt động kinh doanh ở các chợ truyền thống đã hoàn toàn phục hồi, chuỗi cung ứng không còn gián đoạn, hoạt động kinh doanh của Bách Hóa Xanh ngay lập tức gặp khó khăn. Đồng thời, mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận vẫn âm nặng, buộc ban lãnh đạo phải xem xét lại cách vận hành chuỗi này.

Để đối phó với tình hình, Bách Hóa Xanh quyết định tái cấu trúc từ đầu năm 2022, bắt đầu bằng việc ông ễn Đức Tài tiếp quản công việc điều hành chuỗi này thay cho ông Trần Kinh Doanh - CEO đã dẫn dắt chuỗi từ khi thành lập. Sau đó, công ty dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để tập trung vào nhóm hàng hiệu suất kinh doanh kém, thực hiện các biện pháp tái cấu trúc, và chuyển đổi mô hình từ chợ hiện đại sang "siêu thị mini", cùng với việc thực hiện chiến lược giá tốt.

Kết quả, năm 2023, Bách Hóa Xanh đã đạt điểm hòa vốn tại mức doanh thu 1,8 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Với mục tiêu doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, ban lãnh đạo công ty dự kiến chuỗi có thể mang lại lợi nhuận cho MWG từ năm nay và tăng dần trong tương lai.

Mặc dù doanh số bán hàng trên cửa hàng đã cải thiện, nhưng do phải ghi nhận nhiều chi phí từ việc tái cấu trúc, cả năm 2023, Bách Hóa Xanh vẫn ghi nhận lỗ ròng 1.200 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư vào "đứa con cưng" này của MWG vẫn được kỳ vọng lớn trong dài hạn.

N.Hà