Tin beauty blogger, chị em gặp họa vì bí kíp làm đẹp 'truyền tai'

Sự phổ biến của mạng internet giúp người dùng tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ. Giống như những lĩnh vực khác, chủ đề làm đẹp được nhiều người làm nội dung quan tâm đầu tư. Bên cạnh thông tin khoa học, không ít beauty bloggers chia sẻ bí kíp làm đẹp chưa được kiểm chứng. Tin tưởng thói quen làm đẹp này, nhiều chị em rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Dưới đây là những mẹo làm đẹp từng khiến chị em “gặp họa”. (Ảnh: BS, minh họa)

Sử dụng mỹ phẩm chứa hạt phản quang. Từng có thời gian, mỹ phẩm chứa hạt phản quang, nhũ lấp lánh như phấn phủ, son môi, phấn mắt,... rất được ưa chuộng. Mặc dù mang lại hiệu ứng lấp lánh, bắt sáng tốt nhưng bí kíp làm đẹp này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho da.

Chuyên gia làm đẹp khuyên hết sức cẩn thận. Hạt lấp lánh giúp người dùng trở nên nổi bật, tươi tắn song có thể gây kích ứng, mất nước, khiến da nổi mẩn. Không ít trường hợp khổ sở vì da trở nên yếu, dễ bị mụn trứng cá sau khi dùng.

Giác hơi. Nhiều beauty blogger thổi phồng hiệu quả của giác hơi, cho rằng nó có thể cải thiện nếp nhăn trên mặt, ngăn ngừa da chảy xệ và làm chậm quá trình lão hóa. Vậy nhưng, phương pháp làm đẹp này không an toàn, đơn giản, phù hợp với mọi đối tượng như quảng cáo.

Theo chuyên gia, tuyệt đối không giác hơi khi da có mụn cóc hoặc phát ban. Giác hơi không đúng cách không giúp làm đẹp; ngược lại tăng nguy cơ vỡ mạch máu, giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện. Thay vì tin tưởng beauty bloggers, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.

Dùng kem dưỡng chứa cồn giảm nhờn. Để giải quyết tình trạng da bóng nhờn, nhiều chị em gợi ý sử dụng sản phẩm chứa cồn. Thực tế, những mỹ phẩm chứa cồn mang lại hiệu quả làm khô da tức thì song có thể hủy hoại hệ vi sinh vật trên da, làm tổn thương hàng rào bảo vệ da.

Dùng gel triệt lông. Gel triệt lông được quảng cáo dễ sử dụng, mang lại hiệu quả tương tự như tẩy lông bằng sáp mà không gây đau đớn. Tuy nhiên, gel triệt lông tiềm ẩn nguy cơ chứa hóa chất mạnh, sử dụng lâu dài có thể gây hại da. Trường hợp nhẹ, chúng có thể gây kích ứng, dị ứng. Trường hợp nặng, người dùng có thể bỏng hóa chất.

Xịt nước hoa lên tóc. Chúng ta quá quen với những thước phim quảng cáo xịt nước hoa lên khắp người, bao gồm cả tóc. Cách làm này giúp lưu hương khắp cơ thể song lại rất hại tóc. Cụ thể, chất ethanol phản ứng rất mạnh với tóc, dễ gây tổn thương cấu trúc tóc, tăng nguy cơ chẻ ngọn, da đầu khô và nhiều gàu.

Dưỡng ẩm da bằng dầu dừa. Nhiều beauty bloggers tung hô dầu dừa là sản phẩm dưỡng ẩm tự nhiên, an toàn tuyệt đối cho da. Nghiên cứu chỉ ra, dầu dừa chứa axit lauric, capric, vitamin E và chất béo bão hòa giúp làm mềm, phục hồi hiệu quả làn da thô ráp ở khuỷu tay và gót chân.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa dầu dừa sẽ mang lại tác dụng tương tự khi thoa lên mặt hay các bộ phận khác trên cơ thể. Thực vậy, dầu dừa là một trong những loại dầu dễ gây mụn nhất, có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, nổi mẩn. Dầu dừa rất tốt khi sử dụng như một thành phần của sản phẩm làm đẹp song không nên dùng để đắp mặt nạ hay dưỡng ẩm.

Sử dụng băng dán Kinesio. Kinesio Tape (băng dán cơ) là loại băng dán thể thao. Phương pháp băng dán Kinesio được tin có thể giảm đau, loại bỏ co thắt cơ. Nó được các beauty bloggers cho là phương pháp trị liệu tự nhiên, không dùng thuốc hay hóa chất nên rất an toàn.

Trang Brightside thông tin, chưa có nghiên cứu chuyên sâu chứng minh hiệu quả của phương pháp này. Hiện nghiên cứu chỉ dừng ở hiệu quả hỗ trợ bụng sau sinh mổ.

Dùng cọ siêu âm làm sạch da mặt. Làm sạch là nền tảng của việc sở hữu làn da đẹp. Tuy nhiên, sử dụng các loại cọ siêu âm cường độ mạnh hay hóa chất tẩy tế bào chết sẽ phá vỡ sự cân bằng độ pH tự nhiên trên da, gây khô và kích ứng da. Ngoài ra, những sản phẩm này còn tiềm ẩn mối nguy bào mòn da.

Mời độc giả xem thêm video: “Rùng mình” những kiểu làm đẹp quái dị trong lịch sử

Định Tâm (Theo BS)