Trên đất Thủy Chú

Lăng mộ, văn bia Thái bảo Bình Lạc hầu Trịnh Duy Hiếu trên đồi Gò Lăng đất làng Thủy Chú đã được tôn tạo.

Làng Thủy Chú nằm bên hữu ngạn sông Chu, gần núi Chúa (Chủ Sơn) nằm giữa một vùng gò đồi nhấp nhô. Trong lịch sử, Thủy Chú là địa danh khá nổi tiếng, gắn liền với câu nói được dân gian lưu truyền: “Nội Cham, ngoại Chủa” khi nhắc về vua Lê Thái tổ. Theo đó, nội Cham - tức làng Cham - làng Lam Sơn là quê nội của vua Lê Thái tổ, nơi cụ Lê Hối dời nhà từ Như Áng đến đất làng Cham gây dựng cơ nghiệp. Ba năm đã nên sản nghiệp, con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, việc dựng nước mở đất bắt đầu từ đấy; còn “ngoại Chủa”, có nghĩa tại làng Chủa bà Trịnh Thị Ngọc Thương - người con gái họ Trịnh đã sinh ra Lê Lợi.

Đất làng Thủy Chú gắn liền với quá trình gây dựng cơ nghiệp và phát triển của dòng họ Trịnh tại đây. Theo các tài liệu lưu giữ, đất Thủy Chú khi xưa vốn hoang vắng. Cụ Thậm - người họ Trịnh trong một lần đi săn bắn, qua đất Thủy Chú vì mến cảnh rừng xanh tốt tươi, đất đai màu mỡ nên đã quyết định dời nhà đến đây. Con trai cụ Thậm là Trịnh Tám (có tài liệu viết là Trịnh Thảm, hay Trịnh Thám) làm quan dưới thời Trần. Khi ông đi đánh giặc Chiêm Thành đã bắt được con voi trắng nên đã được vua Trần trọng thưởng, ban cho chức Đại toát nữu (được cho là phụ trách việc quân nơi hương ấp). Ông lại sinh ra Trịnh Sai nối nghiệp cha, tiếp tục phát triển cơ nghiệp họ Trịnh trên đất Thủy Chú. Ông Trịnh Sai có người con gái là Trịnh Thị Ngọc Thương, lấy ông Lê Khoáng ở làng Cham.

Ở Thủy Chú nhiều đời dòng họ Trịnh đã cùng nhau gây dựng, phát triển vùng đất cổ.

Ông Lê Khoáng chồng bà Thương tính người hiền đức, nối nghiệp ông cha, chuyên nghề sư công (nghề ông thầy). Vì thế mà việc cửa nhà, ruộng vườn một tay bà Trịnh Thị Ngọc Thương lo liệu. Bà “Ngọc Thương khéo giữ đạo làm vợ, thờ cha mẹ hết lòng hiếu kính, lấy ơn huệ đối xử với họ hàng, dùng lễ nghĩa dạy con cháu, dốc hầu bao, nghiêng bồ thóc mà chu cấp cho người nghèo, xót thương kẻ côi cút, mọi người đều ca tụng đức tốt của bà. Có nhiều người quý mến, gia nghiệp càng thêm thịnh vượng” (sách Địa chí huyện Thọ Xuân). Nhờ công lao gây dựng của người phụ nữ họ Trịnh quê đất Thủy Chú, sản nghiệp họ Lê làng Lam Sơn từ đời ông, đời cha để lại vốn đã khá giả, lại ngày càng giàu có hơn. Đây cũng là “nền móng” để hào trưởng Lê Lợi “chiêu hiền đãi sĩ”, làm nên nghiệp lớn.

Lý giải về việc Lê Lợi được sinh ra ở đất Thủy Chú, cũng theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân, bấy giờ các tù trưởng người Man là Cầm Lò, Cầm Lạn hung bạo, thường cướp của dân vùng Lam Sơn, khiến tình hình không yên ổn. Vì thế khi mang thai, Ngọc Thương lại phải về quê ngoại Thủy Chú để nằm cữ, tại đây Lê Lợi đã chào đời.

Nếu như ở đất Lam Sơn, họ Lê “làm chủ một phương” thì ở Thủy Chú, dòng họ Trịnh cũng nổi tiếng “thế và lực” hùng hậu. Khi Bình Định Vương Lê Lợi phất cờ nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược, Trịnh Khắc Phục ở làng Thủy Chú (gọi Lê Lợi là cậu) giỏi võ nghệ, thông chữ nghĩa đã cùng theo Lê Lợi suốt “10 năm nếm mật nằm gai”.

“Tham gia khởi nghĩa, Trịnh Khắc Phục được Lê Lợi là cậu mình chọn vào đội cận vệ, bảo vệ ông và bộ chỉ huy Lam Sơn... Nhờ đội cận vệ cảm tử mà nhiều lần bị quân giặc vây hãm... Lê Lợi và bộ tham mưu của nghĩa quân được bảo vệ an toàn... Khi nhà Minh đưa viện binh sang ứng cứu thành Đông Quan, để tăng cường chặn đánh giặc ở phía Bắc, Lê Lợi đã cho cả quân cận vệ lên chiến tuyến, Trịnh Khắc Phục được lãnh 1.000 quân theo đại quân của Lê Sát, Lê Nhân Chú lên ải Chi Lăng đánh giặc... Từ một thanh niên sau mười năm tham gia kháng Minh, Trịnh Khắc Phục trở thành vị tướng chỉ huy một trong hai vệ quân bảo vệ kinh thành và triều đình nhà Lê. Cùng với việc được phong chức tước, ông còn được phong quốc tính - mang họ vua, nên được sử sách thường ghi là Lê Khắc Phục” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Nếu như công thần “Bình Ngô khai quốc” Trịnh Khắc Phục có nhiều đóng góp cho khởi nghĩa Lam Sơn thì cháu nội của ông là Thái bảo Bình Lạc hầu Trịnh Duy Hiếu tư chất thông minh, cần mẫn, giúp nước, giúp vua từ lúc còn trẻ. Theo sử liệu, Trịnh Duy Hiếu tính tình ngay thẳng, rộng lượng được người trên kẻ dưới quý mến. Ông làm tướng cầm quân khi còn trẻ, lập nhiều công trạng, được vua Lê Thánh tông rất mực quý trọng. Dù cuộc đời ngắn ngủi (ông mất khi mới 34 tuổi) nhưng sự nghiệp vẻ vang từ rất sớm.

Khi tuổi còn trẻ, Trịnh Duy Hiếu nhiều lần xông pha trận mạc dẹp giặc. Năm 1479, ông theo vua Lê Thánh tông đi đánh giặc ở biên giới phía Tây, giữ chức Đề đốc ngự doanh thủy bộ quân sự vụ. Tháng 11 năm Nhâm Dần (1482) niên hiệu Hồng Đức ông được thăng chức Tuyên lực, Dương vũ công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Nam đô đốc Chưởng phủ sự, Thái bảo Bình Lạc hầu, kiêm Tôn nhân lệnh, Trụ quốc”. Đáng tiếc, năm 1485 ông qua đời khi tuổi đời còn xanh. Đau lòng trước sự ra đi của bề tôi tài năng, vua Lê Thánh tông đã sai Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn văn bia khắc ghi công lao để hậu thế về sau tỏ tường.

Sau khi mất, Thái Bảo Bình Lạc hầu Trịnh Duy Hiếu được đưa về an táng ở quê nhà Thủy Chú, trên đồi Gò Lăng. Trải qua biến động lịch sử và thời gian, ngày nay mộ và văn bia Thái bảo Bình Lạc hầu Trịnh Duy Hiếu hiện được con cháu dòng họ Trịnh ở Thủy Chú trông coi, bảo vệ.

Làng Thủy Chú xưa nay là trung tâm của thị trấn Sao Vàng với công sở, trường học...

Trên đất Thủy Chú, họ Trịnh được xem là dòng họ lâu đời và có nhiều đóng góp - dấu ấn đặc biệt. Trong đó, tiền nhân Trịnh Khắc Phục được triều đình sắc phong và con cháu suy tôn là thủy tổ họ Trịnh ở Thủy Chú. Về sau, trên đất Thủy Chú, ngoài họ Trịnh đã có thêm nhiều dòng họ khác đến đây sinh sống, như họ Bùi ở Hòa Bình vào; họ Thái từ Lang Chánh xuống; rồi họ Quách, họ Ngân, họ Phạm... Tất cả cùng chung sức xây dựng nên một Thủy Chú phát triển và tôn thờ Trịnh Khắc Phục làm Thành hoàng làng.

Về đất Thủy Chú, ghé thăm nhà thờ họ Trịnh tại đây, tôi gặp ông Trịnh Duy Lâm, hậu duệ dòng họ. Ông Lâm tự hào: “Không quá lời khi nói rằng, trong lịch sử, sự phát triển, thăng - trầm của đất Thủy Chú gắn liền với dòng họ Trịnh. Riêng cụ Trịnh Khắc Phục với cuộc đời nhiều sóng gió về sau được các triều đại phong kiến sắc phong là Thượng đẳng phúc thần. Theo các cụ cao niên kể lại, khi xưa vào ngày giỗ tiền nhân Trịnh Khắc Phục (26 tháng 7 âm lịch) cũng chính là ngày hội lớn của dân làng Thủy Chú”.

Đi qua thời gian với sự phát triển không ngừng, Thủy Chú hôm nay đã trở thành trung tâm của thị trấn Sao Vàng với nhà máy nhộn nhịp, chợ sầm uất, đường làng lên phố lớn... Dẫu vậy, lặng lẽ cảm nhận, ta vẫn thấy thẳm sâu trong không gian vùng đất cổ có một Thủy Chú cổ xưa “hiển hiện” trong từng địa danh, di tích và chuyện kể...

Bài và ảnh: Trang Bùi