Tư vấn phong thủy: Chữa lành từ chọn lọc

Những câu hỏi, trăn trở trên được người trong và ngoài nghề kiến trúc đặt ra khi thực tế ngày càng nhiều tình trạng loạn chức danh “thầy phong thủy”, loạn ấn phẩm “cẩm nang hướng dẫn”, loạn cả những diễn ngôn, xu hướng khoác lên lớp vỏ sống tối giản, thiền định, không gian chữa lành… Rất cần các kiến giải đủ tính chuyên môn để trở về bản chất của sự hình thành không gian sống và mối quan hệ tương tác giữa không gian với con người.

Ví dụ như “Kiến trúc xanh” đã có lúc được hiểu trong ý nghĩa hẹp là làm ngôi nhà có nhiều cây xanh, để từ đó mang lại sinh khí (!?). Thực tiễn phát triển kiến trúc bền vững đã minh chứng: xanh nhờ cây cối chỉ biểu hiện một phần nhỏ bản chất của quá trình sống và kiến tạo không gian tiết kiệm năng lượng, giảm xâm hại môi trường và xác lập ứng xử xã hội sao cho nhân văn.

Xu hướng thiết kế gần đây được gọi tên là “thiết kế chữa lành” cũng vậy, đó là quá trình cân nhắc sao cho việc lựa chọn và xử lý chốn ngụ cư có được tính hài hòa và cân bằng về âm dương, ngũ hành, với tinh thần vạn vật luôn biến đổi không ngừng của Dịch học Đông phương truyền thống và khoa học phong thủy hiện đại.

Các xu hướng sống tối giản, thiết kế phỏng sinh học, lối sống biết đủ để hạnh phúc… minh chứng Đông Tây đang ngày càng xích lại gần nhau dù mỗi bên luôn có đặc trưng riêng.

Là nhiệm vụ cụ thể, không phải ý nghĩa mơ hồ

Việc quan tâm đến cuộc sống an lành của con người luôn là mối lo hàng đầu qua bao thời đại, thể chế, nơi chốn, bất kể là Đông hay Tây. Các xu hướng sống tối giản, thiết kế phỏng sinh học, lối sống biết đủ để hạnh phúc… minh chứng Đông Tây đang ngày càng xích lại gần nhau dù mỗi bên luôn có đặc trưng riêng.

Góc nhìn đa dạng văn hóa cho thấy: lối sống hợp tự nhiên không hề phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, lại càng không ảnh hưởng đến quá trình tư duy - kiến tạo không gian. Phong thủy đúng đắn xưa nay đều dựa trên chữ An làm cơ sở, chữ An đó khởi nguồn từ lối sống, rồi quay trở lại tác động lên cuộc sống con người.

Chính vì vậy, nhà ở hợp phong thủy cũng chính là nhà ở có thể tăng cường sức khỏe, chữa lành tâm và thân. Đây là vấn đề “Nhất lý thông - vạn lý minh” tức là về mặt tư duy, sự “thông” trong phong thủy sẽ không thể có nếu từ chủ thể sử dụng - gia chủ - không thông hiểu, thông tuệ về mặt văn hóa. Xem phong thủy sao cho hướng đến ngôi nhà bình an, xem phong thủy để lập nên nhiệm vụ thiết kế, chính là xem kiến thức văn hóa được chuyển hóa qua giải pháp cụ thể ra sao.

Cách “xem” như vậy mới biết mình biết người, khác xa với chuyện “đi coi thầy” rồi thay đổi xoành xoạch, đập phá lung tung, bày biện phi lý, mua sắm chưng treo vật phẩm mê tín…

Cần tránh lối mòn “Thiên kiến xác định”

Kiểu suy nghĩ theo Thiên kiến xác định (Confirmation bias) luôn cho rằng chủ nhà là thượng đế, khách hàng luôn có lý, thị trường luôn dẫn dắt… sẽ dẫn đến việc gò ép công việc chuyên môn theo lợi ích riêng lẻ bất chấp nguyên lý kiến trúc, kết cấu, xem thường cảnh quan môi trường chung. Cá nhân mượn “uy” phong thủy để đưa ra các “chỉ định” thiếu hiểu biết khoa học thông thường (ví dụ như đếm số đòn tay lợp mái, xoay hướng ngồi bàn cầu, đặt đồ trấn yểm phản cảm, sai công năng và thẩm mỹ…).

Trong bối cảnh đó, những quan niệm tiến bộ và bền vững vẫn cần phải có nền tảng và bộ lọc đúng đắn để không bị chạy theo trào lưu, trong đó có xu hướng Kiến trúc chữa lành đang dần phổ biến hiện nay.

Kiến trúc chữa lành (còn gọi là Therapeutic Architecture) không phải là một khái niệm quá mới, vì đã phổ biến từ lâu ở những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển... Tư duy cơ bản của kiến trúc chữa lành cho rằng trong DNA của con người bẩm sinh đã có mối quan hệ đa chiều với thiên nhiên. Vì vậy, các thiết kế sẽ tập trung vào việc tạo ra không gian đưa con người được trở về với thiên nhiên, hòa mình vào đó, để thúc đẩy quá trình phục hồi, bảo vệ sức khỏe, loại bỏ sự căng thẳng từ môi trường (tiếng ồn, chất lượng môi trường không khí kém...).

Tất cả các nguyên lý đó, không phải đến bây giờ Việt Nam ta mới có và biết, mà trong triết lý sống thuận theo tự nhiên của cha ông ta đã hình thành từ ngàn năm văn hiến. Dưới tên gọi “kinh nghiệm phong thủy” các triết lý sống thuận tự nhiên ấy theo các biến động thời cuộc bị làm cho sai lệch, để hôm nay hễ nhắc đến hai từ “phong thủy” là nhiều người liên tưởng đến mê tín, cầu tài mong lộc, trấn yểm treo bùa… không hề có cơ sở nào về mặt văn hóa và kinh nghiệm sống quý báu mà cha ông truyền lại.

Một giải pháp đưa vào không gian sống, dù là vật trang trí nhỏ hay đồ dùng lớn, cây cảnh, thiết bị công nghệ… đều không thể bất chợt xuất hiện và tồn tại, mà luôn có quá trình sàng lọc...

Chọn kiểu thiết kế phải từ chọn cách ta sống

Như vậy, để tìm hiểu và thực hành thiết kế chữa lành thực chất phải tìm hiểu ở cách sống. Một giải pháp đưa vào không gian sống, dù là vật trang trí nhỏ hay đồ dùng lớn, cây cảnh, thiết bị công nghệ… đều không thể bất chợt xuất hiện và tồn tại, mà luôn có quá trình sàng lọc, loại bỏ, cải biên để phù hợp với cộng đồng và các điều kiện kinh tế - kỹ thuật. Phong thủy khi xem xét Cát Hung (tốt xấu) cũng vậy, không có mẫu nhà cửa hay bố trí nào bất biến chung chung, mà là tốt với ai, xấu khi ở đâu, trong thời gian (vận) nào.

Khái niệm thời gian cần được kết nối với không gian, trong đó thời (vận) của cộng đồng, gia đình, cá thể luôn thay đổi song hành với quá trình sử dụng. Nhà ở là tài sản và cũng là trường khí gắn với “tiểu vũ trụ” của mỗi người, đòi hỏi các cân nhắc mang tính lâu dài và thiết thân hơn, hướng nội nhiều hơn là chỉ để đối ngoại. Nói cách khác, những gì thuộc về xu hướng chung theo kiểu đang là “trend” chưa chắc hợp với “cơ địa” riêng, bởi cách cư ngụ sẽ quyết định kiểu bố trí không gian.

Vì vậy việc cải tạo không gian cho hài hòa , hạn chế đập đi xây mới, hiện nay là xu hướng chính trên thế giới, nhất là trong thời đại tốc độ công nghệ phát triển quá nhanh, biến đổi khí hậu, bệnh dịch gia tăng… Do đó không có chuyện một mẫu nhà, kiểu trang trí hay nhóm vật liệu nào đó tốt hơn, hợp thời hơn hay may mắn hơn, mà trước khi chọn lựa sử dụng mẫu đó, các bên liên quan cần đặt ra câu hỏi mang tính quan hệ bộ ba tam tài Thiên - Địa - Nhân rằng: lúc nào - ở đâu - cho ai?

Thực tế đòi hỏi người thiết kế phải có kinh nghiệm xử lý các vấn đề thuộc về ý thích riêng của gia chủ (trong đó có cả niềm tin phong thủy một cách mơ hồ, mê tín và thiếu cơ sở khoa học) sao cho dung hòa và bền vững, để gia chủ có thể sống chung với ngôi nhà lâu dài, một ý đồ thiết kế từ ban đầu nếu đã lường trước có các trở ngại thì phải cân nhắc.

Xét riêng ở khía cạnh “thiết kế chữa lành” thì khoa học phong thủy đề cao yếu tố hài hòa các giá trị trong cuộc sống theo điều kiện cụ thể, chứ không đưa ra chuẩn mực tối đa. Với người này nơi xả stress hiệu quả là góc sân để thưởng trà buổi sớm, nhưng với người khác lại là một hệ thống chiếu phim hoành tráng trong phòng cách âm lý tưởng. Nhiều gia đình siêng tập thể thao thì phải có chỗ vận động cho trẻ nhỏ, nhưng nhà toàn người cao tuổi thì sự tĩnh lặng nên đề cao hơn.

Vì vậy, điểm chung mà phong thủy hướng tới trong bài trí không gian chữa lành là đảm bảo hòa hợp với “khí chất, thần thái” từng gia đình, giúp các giác quan (như nghe, nhìn, ngửi, hít thở…) ít bị ô nhiễm bởi các tác động trong và ngoài nhà.

Cụ thể, một số nguyên tắc chọn lựa cơ bản có thể tham khảo:

- Chọn khoảng trống luân chuyển: tạo điều kiện cho Sinh Khí luân chuyển, tiếp nạp nắng gió hiệu quả. Trong nhà phố thì giếng trời, sân thượng, ban công, sân sau… là những vị trí có thể tạo ra khoảng trống dẫn khí - hút khí tốt. Còn với căn hộ chung cư thì cách thức bố trí Khí khẩu và Khí đạo (cửa chính cùng với hệ cửa phòng, cửa ra ban công, logia…) sẽ quyết định căn hộ có thông khí tốt hay không, liên quan chặt chẽ với hệ thống đồ đạc bài trí nội thất. Cần tránh kiểu làm nhà Thuần Âm (do không tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài) hay Thuần Dương (do dùng vào mục đích kinh doanh, giao tiếp ồn ào) mà thiếu đi khoảng trống, khoảng liên kết khí kiểu giếng trời để cân bằng lại Âm Dương.

- Chọn góc nhìn an yên: để khắc phục tình trạng “ô nhiễm thị giác” là hạn chế mở cửa về phía có cảnh quan hay vật thể xấu như trụ điện, ống khói, hoặc các thiết bị phát ra sóng điện từ, nhiệt độ, khói bụi độc hại, hoặc phản chiếu ánh sáng chóa mắt, gây mệt mỏi. Dùng cây xanh, lam che chắn để hạn chế góc nhìn xấu, hoặc chăm chút góc nhìn cho nội thất khi bên ngoài chưa thực sự an yên.

- Chọn vật liệu, màu sắc tương hòa: vật liệu và màu sắc trong không gian là tiền đề cơ bản giúp người cư ngụ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không. Đặc thù khí hậu và văn hóa Việt Nam đã hình thành nên những gam màu thuộc thiên nhiên, màu chất liệu mộc mạc, màu giảm Hỏa nóng bức, màu phối kết ấm áp cho gia đình… mà các nhà thiết kế hiện nay đều thông hiểu sẵn sàng tư vấn, sáng tạo phù hợp, hài hòa với gia chủ và không gian tương ứng.

Để thực sự trở về với giá trị văn hóa thâm sâu và hữu dụng của khoa phong thủy Việt, kiến trúc bền vững, kiến trúc chữa lành…hay tên gọi gì đi chăng nữa cũng chỉ là cái gốc của vấn đề: Tìm kiếm, chọn lựa, xác lập lối sống hài hòa văn hóa Việt.

Cô đọng ở hai chữ Trạch Cát, trong đó cát là những điều tốt lành, trạch nghĩa là sự chọn lựa.
Lối đi ấy luôn ở dưới chân mình, trong mỗi chúng ta.

Bài: Ths-KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương, TL