Cân bằng tâm lý, bảo đảm sức khỏe mùa thi cho trẻ

Giải tỏa căng thẳng mùa thi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những dấu hiệu như lo lắng, cảm thấy tuyệt vọng; đau đầu, đau bụng; khó ngủ, ngủ không ngon giấc; mất hứng thú với thức ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường; cảm thấy khó chịu, cáu kỉnh cho thấy, bạn có thể đang gặp tình trạng căng thẳng có thể dẫn tới những nguy cơ liên quan đến sức khỏe đứng trước bất kỳ cuộc thi nào.

Theo thống kê từ Viện sức khỏe Tâm thần quốc gia, mỗi năm vào mùa thi, có tới hơn 90% học sinh ở lứa tuổi 15-18 bị stress nhẹ, gần 3% bị stress trung bình.

Hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi lớp 10 năm học 2023 - 2024 tại quận Bắc Từ Liêm.

Đề cập đến vấn đề này, các chuyên gia y tế cho biết, trong dịp thi cử, những biểu hiện mệt mỏi, uể oải, căng thẳng là phản ứng bình thường của cơ thể khi đứng trước những khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài, đặc biệt với các sĩ tử trong mùa thi, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và trí não.

TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cho hay, một chút căng thẳng và áp lực nhỏ có thể kích thích trẻ tập trung hơn vào kỳ thi, tuy nhiên sự căng thẳng kéo dài lại gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe.

Đặc biệt, khi trẻ trở nên lo lắng quá mức, cố gắng thức khuya để học, ngủ không đủ giấc,… có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý và sức khỏe thể chất, bao gồm: không hứng thú trò chuyện với bạn bè, gia đình hoặc tham gia các hoạt động xã hội; cảm thấy ủ rũ, thấp thỏm lo âu, choáng váng đầu óc.

Ngoài ra, trẻ có thể cáu kỉnh, hay quên; chán ăn hoặc ăn quá nhiều; ngủ không ngon giấc và khó để ra khỏi giường; đau đầu, lúc nào cũng trong trạng thái căng cơ đầu; bụng dạ cồn cào, buồn nôn hoặc nôn; thậm chí là kiệt sức và trầm cảm.

Để giải tỏa căng thẳng mùa thi cho học sinh, tránh tạo thêm áp lực không cần thiết, TS Trương Hồng Sơn cho rằng, phương pháp hiệu quả nhất để giảm stress là phải duy trì giấc ngủ đủ và sâu. Theo chuyên gia, trong những ngày “nước rút” trước kỳ thi, các em vẫn cần ngủ đủ giấc 6-8 tiếng/ngày để giữ đầu óc minh mẫn, sáng suốt, bình tĩnh mới có thể tập trung làm bài thi.

Lưu ý về chế độ dinh dưỡng, TS Trương Hồng Sơn cho hay, cha mẹ cho trẻ ăn bình thường như ế độ ăn hàng ngày với đầy đủ các nhóm thực phẩm: rau, đạm, tinh bột, trái cây. Những thực phẩm này cần được đảm bảo chế biến sạch sẽ và an toàn. Ngoài ra, cho trẻ uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo cơ thể có đủ nước, nhất là trong mùa thi cử nắng nóng. Nước cũng có thể được bổ sung từ các loại trái cây như cam, dưa hấu hoặc sữa,… Ăn nhiều những thực phẩm tốt cho não bộ và sức khỏe như trứng gà, nấm, đậu phụ, các loại hạt, cá béo, các loại rau có màu xanh đậm, trái cây, sữa,…

Không lạm dụng thuốc bổ

Hiện nay, nhiều cha mẹ đã lạm dụng, tự ý mua thuốc bổ não, thực phẩm chức năng bổ thần kinh cho con với mong muốn giúp trẻ tăng cường trí nhớ trước mỗi kỳ thi. Theo GS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng, không có một loại thuốc nào ngay lập tức làm tăng trí thông minh của các thí sinh mùa thi chỉ trong vài tuần sử dụng. Phát triển trí não đòi hỏi một nền tảng dinh dưỡng lâu dài.

Về cơ bản, các thuốc tăng tuần hoàn não không có tác hại nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài, khi lạm dụng loại thuốc này cũng làm gia tăng, tạo sức ép và gây quá tải cho gan, thận. Do đó, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng các loại thực phẩm chức năng, thuốc được quảng cáo bổ não, tăng cường trí nhớ được rao bán tràn lan trên thị trường. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng bất kỳ loại thuốc bổ nào cho con.

Cha mẹ lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ trước mỗi kỳ thi. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ, trẻ cần được luyện tập thể dục, thể thao đều đặn, từ đó, sẽ giúp trẻ có được một sức khỏe tinh thần tốt để tự tin vượt qua các kỳ thi một cách hiệu quả. Đặc biệt, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết các biểu hiện bất thường ở trẻ (ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thất thường...), cần theo dõi sát sao, đưa trẻ đi tư vấn tâm lý, điều trị kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-17 tuổi nên hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày trong suốt cả tuần với cường độ từ trung bình đến cao. Bao gồm các hoạt động như chạy nhảy, các môn thể thao, trò chơi, giáo dục thể chất... Nhìn chung, các bài tập đều đem lại lợi ích đáng kể và không có bài tập nào được coi là tốt nhất trong giai đoạn căng thẳng do ôn thi. Tùy vào khả năng của mỗi người, hãy lựa chọn cho mình những hình thức luyện tập phù hợp nhất.

Thanh Bình