'Du lịch văn hóa ẩm thực - Con đường di sản miền Trung' lan tỏa phong vị ẩm thực đặc trưng

“Du lịch văn hóa ẩm thực - Con đường di sản miền Trung” lan tỏa phong vị ẩm thực đặc trưng Sự kiện trực tuyến lần 2 với tên gọi “Giá trị thực dụng nền văn hóa ẩm thực miền Trung” đã truyền tải thông điệp xây dựng - củng cố - lan tỏa giá trị đích thực của nền văn hóa ẩm thực.

Talk show lần thứ hai được tổ chức vào ngày 14/8

Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam khẳng định, chuỗi sự kiện trao đổi trực tuyến về “Du lịch văn hóa ẩm thực – Con đường di sản miền Trung” là một trong các hoạt động hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Sự kiện nhằm lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực nói riêng và văn hóa tinh thần nói chung của miền Trung.

“Talk show lần thứ nhất vào ngày 17/7 vừa qua, Ban tổ chức đã ghi nhận nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt thu hút sự đồng hành, hưởng ứng từ công chúng, nhất là sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc của cơ quan Trung ương, tổ chức xã hội.

Lần thứ hai tới đây sẽ diễn ra vào lúc 9h30 thứ Bảy ngày 14/8/2021, chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm tham gia của các diễn giả từ Hà Nội, các tỉnh miền Trung và TP.Hồ Chí Minh. Có thể kể đến như: TS.Đoàn Minh Phú–Tổng Giám đốc chuỗi Nhà hàng Siêu thị Thế giới Hải Sản, Việt Nam, Ủy viên BCH Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA); TS.Nguyễn Huỳnh Đạt–Tổng Giám đốc Công ty CP Ông Bếp TP.HCM, Trưởng Ban Kiểm tra Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam; Ông Đinh Hài–Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Hội viên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Với chuỗi sự kiện trực tuyến này, chúng tôi mong muốn dùng ngôn ngữ ẩm thực để truyền tải thông điệp chung tay xây dựng hiệu quả liên kết “bốn nhà” (Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh) trong việc lan tỏa những giá trị văn hóa ẩm thực, trong đó đặc biệt có ẩm thực miền Trung với nét đặc sắc khó trộn lẫn, xây dựng, củng cố và lan tỏa giá trị đích thực”, ông Lê Tân, người chỉ đạo nội dung, cố vấn chuỗi sự kiện “Talk Show” trực tuyến “Du lịch văn hóa ẩm thực - Con đường di sản miền Trung” chia sẻ.

Được biết, mục tiêu hướng tới của chuỗi sự kiện là mong muốn liên kết “bốn nhà” để lan tỏa rộng rãi hơn phong vị cảm thụ ẩm thực đặc trưng của miền Trung gồm cay, chua , mặn, chát.

Muốn mở rộng ra cả nước, thậm chí vươn ra thế giới, phát huy và xây dựng cơ chế sáng tạo đổi mới, áp dụng triệt để khoa học công nghệ, hình thành đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, phối hợp với các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực biến tấu và chế biến món ăn để có thể cấp đông, ướp lạnh, sấy khô… phù hợp với khẩu vị của các vùng miền và thực khách trên thế giới.

“Talk Show” trực tuyến sẽ góp phần cùng nhau thực hiện chỉ đạo của Chính phủ với thông điệp “ai ở đâu, ở yên đấy”, ông Lê Tân cho biết.

Theo Ban tổ chức, Talk show lần 2 với mong muốn cho công chúng và du khách thấy rõ được tính hợp lý của sự liên kết các địa phương có Di sản thế giới tọa lạc.

Với giá trị lịch sử của Kinh đô Việt Nam (dưới triều đại Nhà Nguyễn, một trong những vương triều cuối cùng trên thế giới), Ban tổ chức sẽ giới thiệu những giá trị của văn hóa ẩm thực miền Trung theo hướng gợi mở để truyền tải thông điệp “Lắng nghe – Thấu hiểu – Chia sẻ”.

Văn hóa ẩm thực miền Trung được kế thừa từ nghiên cứu chuyên sâu (đảm bảo đúng với định tính, định hình, định lượng trong chế biến) bởi những chuyên gia hàng đầu về ẩm thực của Kinh đô Huế (ngày xưa).

Món ăn miền Trung nói chung chú trọng sự hòa hợp giữa thuật âm dương ngũ hành, nên món ăn giúp tái tạo sức khỏe và chữa bệnh. Do vậy, món ăn miền Trung phải được sử dụng chuỗi giá trị và hệ sinh thái của cây - con - củ - quá, được nuôi trồng chế biến từ miền Trung mới đậm chất, lành tính, ngon và bổ dưỡng.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại tồn tại những món ăn tẩm ướp nhiều hóa chất độc hại, sự lên ngôi của nhiều món ăn nhanh, ít chất bổ dưỡng, thì giá trị thực sự của ẩm thực miền Trung sẽ độc đáo, hấp dẫn, đặc sắc. Đặc biệt đảm bảo sức khỏe cho người dân”, ông Lê Tân nhấn mạnh.

Đông Hường