Đừng lệ thuộc vào mạng xã hội

Mạng xã hội đang lấy mất khá nhiều thời gian của các bạn trẻ. Ảnh: T.N.

Chúng ta quyết định coi trọng sự siêu kết nối. Chúng ta coi trọng những nút thích, những lần thả tim và số người theo dõi. Và đôi khi, chúng ta coi trọng những điều này hơn cả chiều sâu, bản chất hoặc tính chân thật của sự việc.

Chúng ta quyết định sử dụng mạng xã hội để kể những câu chuyện về bản thân, để phát tín hiệu về kiểu người mà chúng ta muốn mọi người nghĩ về mình. Chúng ta quyết định gắn giá trị bản thân vào những câu chuyện đó và quyết định tìm kiếm cảm hứng từ mạng xã hội thay vì bạn bè, gia đình, công việc, đam mê của mình.

Chúng ta đã bỏ lỡ điều gì khi dán mắt vào các loại màn hình? Trải nghiệm nào đã bị đánh bật ra ngoài? Chúng ta đã thôi không còn thường xuyên làm gì nữa? Chúng ta không có gì, không biết gì, không làm gì hoặc không cảm thấy gì nữa vì được kết nối quá liên tục?

Chúng ta lên mạng để kiểm tra email và 17 phút sau, chúng ta lại xem ba đoạn video buồn cười, tra số dư tài khoản, chia sẻ dòng tweet nào đó, lướt qua mạng xã hội và không trả lời bất cứ email nào.

Vào mỗi ngày bất kỳ, tôi đều có thể lãng phí một tiếng đồng hồ hoặc hơn vì những sao lãng do công nghệ như thế. Một đoạn video về mèo ở đây, một dòng tweet đang lan truyền ở kia, kiểm tra thời tiết, lướt Facebook, lướt tin tức.

Không việc nào trong số này thực sự có ích lợi gì cho tôi ngoài việc tiêu thụ những thông tin vô bổ. Chúng ta có thể than vãn mình không có đủ thời gian để làm tất cả những việc mình muốn nhưng làm sao có thể được trong khi chúng ta vẫn có thời gian để lãng phí hằng giờ đồng hồ mỗi ngày?

Chúng ta đã trở nên thành thạo việc tạo ra khác biệt giữa con người trên mạng và con người trong đời thực. Chúng ta không nhìn thấy con người đằng sau tấm hình đại diện. Chúng ta vô tình nhìn thấy bi kịch, chiến tranh và bạo lực thông qua một ống kính giải trí.

Chúng ta nhìn thấy sự cợt nhả, bắt nạt và những bình luận ác ý mỗi lần lên mạng, và việc nhìn thấy người đối xử với người bằng sự khinh thường, thậm chí là căm ghét thấy rõ đã trở thành chuyện thường ngày. Thời gian trôi đi, chúng ta chỉ đơn giản là quen với nó, cho đến khi nó xảy ra với chính chúng ta.

Ngược lại, chúng ta quyết định rằng bất cứ ý kiến nào khác với chúng ta, bất cứ lời chỉ trích nào, bất cứ thế giới quan nào cũng là một sự cợt nhả hoặc chứa đầy ác ý. Bởi thế chúng ta quay lưng với tất cả.

Chúng ta mỉa mai những người không làm như thế. Và cuối cùng, chúng ta rơi vào căn phòng cộng hưởng đầy những người nghĩ giống như chúng ta, những người không thách thức quan điểm của chúng ta, những người nói với chúng ta rằng chúng ta đã đúng vì họ cũng đúng.

Chúng ta cho rằng, nhấp vào nút “thích” cho một bài đăng nào đó về những người tị nạn, hoặc chia sẻ một video về vấn đề môi trường là một cách tuyệt vời để tạo ra nhận thức về những gì ta đang quan tâm. Càng nhiều người biết đến nó thì càng tốt, đúng không? Nhưng chúng ta thường chỉ dừng ở đó.

Trong khi nhận thức là điều rất quan trọng, nhưng các quỹ thiện nguyện không hoạt động dựa trên nhận thức, những người đang đói khát không thể dùng nhận thức làm đồ ăn, nhận thức thôi không thay đổi được thế giới. Nhấp một nút hoặc thay đổi hình đại diện chỉ khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, cảm thấy như thể chúng ta đang làm điều gì đó nhưng thực ra chỉ là đang lướt mạng trên điện thoại.

Quá dễ hiểu nhầm ý đồ hoặc giọng điệu trên một màn hình máy tính hoặc màn hình điện thoại, một bình luận vô thưởng vô phạt có thể trở thành một lời nhục mạ trái với ý định của người viết. Và vì không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu không lời nào khi đọc một email hoặc một dòng tin nhắn, nên chúng ta thường băn khoăn về ý của người viết.

Hãy xem xét năng lượng tinh thần mà chúng ta tiêu phí mỗi lần lo lắng về ý nghĩa thực sự của dòng tin nhắn hoặc một biểu tượng cảm xúc.

Brooke McAlary/ BestBooks và NXB Công thương