Hà thành xưa trên phố Hà Nội nay

Nhưng không! Sự bung nở của phố bích họa, làng bích họa, ngõ bích họa… ở Hà Nội gần đây đã giải tỏa phần nào nỗi lo ấy và để gánh trách nhiệm lưu giữ một phần những thứ được coi là tài sản chất chứa hoài niệm về một miền ký ức của Kẻ chợ xưa với “đường giăng mắc cửi, phố ô bàn cờ”. Để Hà thành xưa vẫn giữ được nét thâm trầm ngay trên phố Hà Nội nay đúng với phong thái của thời đại.

1. Hành trình chỉnh trang và tái thiết đô thị thời gian qua đã giúp cho miền đất Kẻ chợ hôm nào có được nhiều công trình hiện đại như cây cầu vượt băng qua ngã tư, những hầm đường bộ xuyên qua lòng đất, đường vành đai trên cao giải tỏa bớt áp lực giao thông đô thị, thấy cả những tuyến tàu điện cao tốc vượt phố trong phút giây… Hành trình chỉnh trang và tái thiết đô thị hiện đại cũng cho người Hà thành tự hào với xu hướng sáng tạo trong việc làm đẹp bộ mặt phố phường đô thị.

Trong khoảng 15 năm kể từ ngày con đường gốm sứ ven sông Hồng chạy dọc qua các tuyến phố Trần Khánh Dư - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật - Yên Phụ - Nghi Tàm, Hà Nội nghìn năm ngày càng nhiều thêm các phố bích họa, đường bích họa, ngõ bích họa. Nghệ thuật đường phố ấy che đi những lem luốc trên các bức tường xóm phố, triền đê, kéo Hà Nội đến gần với xu hướng làm đẹp đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới.

Phố bích họa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Còn nhớ tháng 9/2010, người Hà Nội phấn chấn đón chào con đường gốm sứ dài 3.850m áp trên nền đê sông Hồng - bức tranh nghệ thuật đường phố đầu tiên của Thủ đô được Tổ chức Guinness thế giới ghi danh “Bức tranh gốm dài nhất thế giới”, cũng chính là dấu ấn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bức tranh kỳ công ấy mang hơi thở của 3 làng gốm nức danh thiên hạ: Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng.

Hồi ấy, người ta nhắc mãi con số 6.950m2 tranh gốm trong 27 đoạn tranh gốm nối tiếp nhau theo nhiều chủ đề và các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử, từ thời Đông Sơn, qua Lý - Trần - Lê - Nguyễn, do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên các trường mỹ thuật cùng 100 nghệ nhân, thợ thủ công kỳ công chế tác, ghép nối. Hồi ấy, người ta tự hào mãi vì đã bắt nhịp được với hội họa đường phố làm đắm say lòng người ở các khu phố Berlin, London, Paris…

2. Con đường gốm sứ như khơi nguồn cảm hứng cho phong trào hội họa đường phố ở Thủ đô, nên các dải sắc màu cứ nối đuôi nhau ra đời trong niềm hân hoan đón chào của cư dân đô thị. Khu tập thể Phụ nữ Trung ương (39 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa) vốn cũ kỹ, già nua vì tháng năm, bỗng một ngày được khoác lên mình những sắc màu rực rỡ. Bức tường rêu, loang lổ quảng cáo rao vặt ở ngõ 78 phố Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) hay ngõ 68 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ) bao năm, bỗng một ngày “biến hình” thành các bức tranh phong cảnh, làng quê được kết nên từ những tấm gốm thô mộc… Đáng nói là bức tường chạy dài khoảng 400m tại ngõ Ao Dài (quận Bắc Từ Liêm) với hàng trăm bức vẽ lớn nhỏ nối đuôi nhau kể câu chuyện Hà Nội phố.

Các bức họa không chỉ là hình vẽ đơn thuần bằng vôi và bột màu, mà còn chuyên chở theo các chủ đề cuộc sống, trẻ em, môi trường hay đôi khi là những bài thơ, câu khẩu hiệu quen thuộc trong đời sống người đô thị. Ngắm nó, thế hệ sinh trước năm 1986 không khỏi hoài niệm về một thời bao cấp chất chứa yêu thương ở mảnh đất đô hội này.

Hội họa đường phố còn được “định danh” trong các dự án cải tạo không gian phố phường Hà thành. Ấy là phố bích họa Phùng Hưng - con đường hội họa nổi tiếng nằm gần chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đậu với 20 bức bích họa tái hiện khung cảnh Hà Nội xưa. Đến đó, đứng dưới các vòm cầu sẽ lập tức “chạm” vào ký ức một thời “36 phố phường” với bách hóa tổng hợp, những gánh hàng rong, tàu điện leng keng, ông đồ chơi chữ… Các họa sĩ Hàn Quốc, Việt Nam đã vẽ tranh trên nền gỗ rồi ốp cứng vào các mái vòm để không ảnh hưởng đến cấu trúc nguyên bản.

Ấy còn là tường bích họa bao quanh Trường THPT Phan Đình Phùng mà nhà trường “bắt tay” với các họa sĩ vốn là cựu học sinh Phan Đình Phùng thực hiện để truyền đi thông điệp nhân văn về Hà Nội xưa. 25/28 bức bích họa có mặt trên các khoảng tường bao quanh ngôi trường duyên dáng của Hà Nội ấy dành để kể chuyện Thăng Long - Hà Nội với đủ đầy hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột và nhiều địa danh nổi tiếng khác...

Rồi chẳng riêng vùng nội đô, bích họa đường phố cũng lan tỏa về vùng ngoại thành, hình thành nên các con đường bích họa mang dáng dấp, phong vị làng quê Việt Nam. Làng bích họa đầu tiên là ở thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm - nơi trồng rau, củ quả nức tiếng của Hà Nội. Ngôi làng thuần nông ấy đã khoác chiếc áo mới trong một dự án của tổ chức Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng. Gần 20 bức bích họa sống động tại làng đều tái hiện những hình ảnh quen thuộc từ chính đời sống của người nông dân nơi đây, từ sạp hàng đến luống rau, quả bí… đều hiện hình rực rỡ trên nền tường nhà của người dân Chử Xá.

Đúng là từ độ “bích họa về làng”, bọn nhóc vùng ngoại thành còn hay hò hẹn nhau đến chụp hình trên con đường Hủng vào làng Đông Khê (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng), đến cả đoạn đường đê dài khoảng cây số thuộc 2 xã Tam Thuấn và Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), lại cả “con đường bích họa” tại xã Xuy Xá và thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức)… Có vẻ như vẽ tranh bích họa đã trở thành “phong trào” cho hành trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã, huyện ngoại thành Hà Nội.

3. Những mảng sắc màu hiện diện trên các con đường bích họa của Thủ đô hôm nay cho thấy rõ ràng một Hà thành duyên dáng xưa vẫn đang được lưu giữ một cách trân trọng trong Hà Nội hiện đại nay. Lại nhớ, bản đồ du lịch thế giới đã ghi danh các TP nổi danh với nghệ thuật vẽ tranh tường đường phố từ lâu như Berlin (Đức), Melbourne (Australia), New York (Mỹ), Sao Paulo (Brazil), Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Brussels (Bỉ), London (Anh)… Chỉ cần đi bộ trên đường phố là có thể trải nghiệm cảm giác bùng nổ trong sắc màu và những câu chuyện kể bằng tranh.

Thế nên, bích họa bung nở trên phố Hà thành thực sự là một niềm vui của người đương thời khi chứng kiến Thủ đô nghìn năm văn hiến hòa điệu cùng văn hóa thế giới, bắt nhịp với xu hướng làm đẹp, trang trí đô thị hiện đại. Quả là không thể phủ nhận nét đẹp của mỹ thuật được thể hiện tại các nơi công cộng thông qua những bức tranh tường, người dân Thủ đô đang được hưởng những nhu cầu về tinh thần khi cuộc sống ngày càng phát triển, trang trí công cộng có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, thậm chí chúng còn trở thành điểm nhấn du lịch của TP.

Vậy nhưng, lãng đãng đâu đó trong đời sống mỹ thuật đương đại là lời phàn nàn về bích họa tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Lãng đãng đâu đó trong đời sống thị thành nỗi lo về sự xuống cấp, đứt gãy của những con đường nghệ thuật vì thiếu bàn tay bảo trì, duy tu. Cũng phải thôi, vì ngoài bích họa, các con phố Hà Nội đang xuất hiện ngày càng nhiều những hình vẽ graffiti trên bốt điện, trạm biến áp, quán cà phê, dưới lòng đường, thậm chí cả nhà vệ sinh công cộng…

Con đường gốm sứ ven sông Hồng thì có những đoạn nứt vỡ, bong tróc, biến màu, có đoạn ám khói xe… Nhìn về góc nghệ thuật này ở Hà Nội, nhiều chuyên gia thành thật, nếu để nghệ thuật bài bản lẫn trong nghệ thuật tự phát, nếu chỉ phát triển mỹ thuật đường phố mang tính phong trào, thiếu thường xuyên sẽ không có tính bền vững và điều đó chỉ làm bộ mặt đô thị xấu đi. Nếu không “vẽ có kiểm soát”, bích họa đường phố dễ biến Hà Nội thành bức tranh đa sắc mà lem nhem.

Hà thành xưa đã hiện hình thanh nhã và nghệ thuật trên phố Hà Nội nay. Giữ sao cho các bức họa mang dáng hình Hà thành ấy mãi duyên dáng, trở thành điểm nhấn của du lịch Thủ đô là mong mỏi, khát khao mà người yêu Hà Nội đặt niềm tin ở các nhà quản lý hôm nay.

Nhật Minh