Indonesia quyết tâm giải bài toán suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ

Indonesia được đánh giá là quốc gia thứ 5 trên thế giới có tỷ lệ trẻ em thấp còi suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn. Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ thấp còi xuống 14% vào năm 2024, với khẳng định can thiệp suy dinh dưỡng thể thấp còi là một trong những ưu tiên chi tiêu của chính phủ trong năm 2023.

Indonesia là quốc gia có tỷ lệ trẻ em thấp còi cao thứ 5 thế giới. (Nguồn: Jakarta Post)

Quốc gia thứ 5 trên thế giới có tỷ lệ trẻ thấp còi

Trong nghiên cứu mới nhất, Cơ quan Nghiên cứu dinh dưỡng Indonesia (SSGI) của Bộ Y tế Indonesia cho thấy, năm 2021 tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi tại quốc gia này là 24,4%. Theo đó cứ 4 trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi. Vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, UNICEF ước tính có hơn 2 triệu trẻ em Indonesia bị suy dinh dưỡng nặng và hơn 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Indonesia được đánh giá là quốc gia thứ 5 trên thế giới có tỷ lệ trẻ em thấp còi.

Về nguyên nhân, dinh dưỡng được cho là yếu tố hàng đầu gây ra tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất tại Indonesia. Các nguyên nhân khác bao gồm thiếu kiến thức, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, sức khỏe bà mẹ, các yếu tố môi trường ....

Chị Fahmi Aryati có con gái 2 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi chia sẻ:"Tôi là một người nội trợ. Con gái tôi được đo cân nặng và chiều cao nhưng không có gì thay đổi so với lần trước, cháu bị chẩn đoán suy dinh dưỡng. Tôi không biết vì cháu không có triệu chứng gì và nghĩ mình đã bổ sung đầy đủ cho con. Tôi cũng không biết tại sao cháu lại bị suy dinh dưỡng thấp còi".

Tỷ lệ này tăng mạnh ở các vùng sâu vùng xa, nơi các dịch vụ y tế kém phát triển và tỷ lệ dân số cao sống dựa vào nông nghiệp. Ở những nơi hạn hán hay lũ lụt thường xuyên xảy ra, người dân sống dựa vào nông nghiệp sẽ phải đối mặt với thu nhập bấp bênh, không thể đủ tiền nuôi con cái một cách đầy đủ hoặc ổn định. Trong khi đó, tại các thành phố lớn đông đúc, nhiều nhà không có nhà vệ sinh riêng hay không đảm bảo các điều kiện vệ sinh tối thiểu khiến trẻ rất dễ bị mắc các bệnh như kiết lỵ, tả và tiêu chảy.

Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và có thể tác động đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của trẻ. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế và theo dõi, sàng lọc và điều trị suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn hạn chế, là một yếu tố khác góp phần tạo nên sự chênh lệch về tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giữa các vùng. Sức khỏe của người mẹ cũng là một nguyên nhân khác gây ra tình trạng thấp còi, có thể là một vấn đề kéo dài qua nhiều thế hệ tại Indonesia.

Can thiệp dinh dưỡng cho trẻ là ưu tiên trong chi tiêu ngân sách của chính phủ Indonesia trong năm 2023. (Nguồn: Jakarta Post)

Mục tiêu quốc gia bị đe dọa

Trong bài phát biểu bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm 2019, Tổng thống Jokowi đã nhắc lại tầm nhìn để Indonesia trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Đến năm 2045, dân số Indonesia dự kiến vượt 300 triệu người, trong khi thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này kỳ vọng đạt 23.000 đô la Mỹ. Trong những ngày đầu cầm quyền, Tổng thống Jokowi đã nhấn mạnh rằng, nhân lực là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần thiết để đạt được các mục tiêu quốc gia. Tình trạng thấp còi ở trẻ em không được khắc phục sẽ là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện hóa những giấc mơ này.

Những đứa trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thành tích học tập tại trường, thậm chí phải bỏ học. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và thu nhập thấp, khả năng cao hơn là sẽ sống trong điều kiện nghèo đói suốt đời. Hậu quả kinh tế của tình trạng thấp còi không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn tác động đến nền kinh tế quốc gia. Ngân hàng Thế giới ước tính tình trạng thấp còi và các vấn đề dinh dưỡng khác làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội khoảng 3% mỗi năm.

Hộp bổ sung chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai được cung cấp cho làng Sukadami tại Tây Java. (Nguồn: CNA)

Phá vỡ vòng luẩn quẩn

Trong một nghị định được ban hành năm ngoái về việc tăng tốc giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ, Tổng thống Jokowi đặt mục tiêu giảm tỷ lệ xuống 10,4% trong vòng chưa 2,5 năm. Mục tiêu này rất tham vọng, vì từ năm 2013 đến năm 2021, Indonesia chỉ cố gắng cắt giảm tỷ lệ khoảng 2% mỗi năm. Tuy nhiên Tổng thống Jokowi khẳng định sẽ thực hiện được mục tiêu tham vọng này vì đầu tư vào các chương trình hạn chế tình trạng thấp còi ở trẻ em sẽ mang lại những thế hệ chất lượng trong tương lai. Tổng thống khẳng định can thiệp suy dinh dưỡng thể thấp còi sẽ là một trong những ưu tiên chi tiêu ngân sách của chính phủ trong năm 2023.

Tư vấn, bổ sung dinh dưỡng và hợp tác với khu vực tư nhân là một số biện pháp chính phủ Indonesia thực hiện để giải quyết tình trạng thấp còi. Chiến lược bao gồm các can thiệp cụ thể như cải thiện dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, tăng cường sức khỏe của bà mẹ sau sinh. Một biện pháp được đánh giá hiệu quả là mạng lưới hơn 1,5 triệu tình nguyện viên tham gia tại các trạm y tế cộng đồng trên khắp Indonesia, tư vấn và theo dõi tăng trưởng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, cũng như điều trị các bệnh thông thường và tư vấn dinh dưỡng.

Lilis Srimuliaty, nữ hộ sinh trưởng tại Sukadami, Tây Java chia sẻ: “Những tình nguyện viên này đều là những bà mẹ sẽ đến giúp đỡ chúng tôi một cách tự nguyện. Những gì chúng tôi làm là gõ cửa từng nhà, đến những ngôi nhà có trẻ nhỏ, đo cân nặng và chiều cao cho trẻ để phát hiện sớm các trường hợp thấp còi hay nguy cơ suy dinh dưỡng. Sau đó chúng tôi sẽ hỗ trợ thực phẩm hay thuốc bổ sung”.

Chính phủ cũng cam kết mở rộng hệ thống an sinh xã hội, giúp đỡ các gia đình nghèo để họ có thể quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng của trẻ và phụ nữ mang thai. Ngoài ra các chương trình viện trợ lương thực không dùng tiền mặt, bảo hiểm y tế quốc gia, tăng cường dinh dưỡng trong giáo dục mầm non để trẻ em có thể tăng trưởng và phát triển tốt... đang cải thiện đáng kể được tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi tại quốc gia này./.

Phạm Hà/VOV-Jakarta