Nâng cao vị thế người phụ nữ để phòng, chống tảo hôn ở G'lao

Một buổi họp của thôn G’lao để tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Ảnh: CTV

Năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Nam lựa chọn thôn G’lao làm điểm cho mô hình câu lạc bộ Phòng chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ga Ry, chị Zơ Râm Thị Chiênh chia sẻ: “Khi Hội LHPN tỉnh lựa chọn thôn G’lao làm điểm cho mô hình, chúng tôi cũng phân vân lắm. Ban đầu là sợ không làm được nhưng lại nghĩ, Hội phụ nữ được lập ra là để hoạt động, việc cụ thể tốt hơn với việc một năm họp đôi ba lần, đặc biệt đây chính là hành động thiết thực để “bảo vệ quyền lợi phụ nữ”. Bởi, hệ quả của tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống thì đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ, cả về thể xác và tinh thần”.

Tính đến nay, G’lao không có tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Để làm được điều đó đã có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ và đặc biệt là người dân ở thôn G’lao cùng nhất trí, ủng hộ.

Trước đây, không chỉ ở G’lao mà ở các thôn khác cũng có tình trạng tảo hôn hoặc vấn đề kết hôn cận huyết thống. Đây là hủ tục có từ thời xưa, đã được chính quyền địa phương tuyên truyền từ bỏ nhưng vẫn còn tồn dư. Con gái “đảm bảo” cho bố mẹ khoản tiền thách cưới nên nhiều gia đình mong muốn cho con gái lấy chồng sớm. Rồi với suy nghĩ, lấy chồng lấy vợ sớm để mau có cháu vì người đồng bào Cơ Tu quan niệm con cái là của cải nên càng có nhiều càng tốt.

Bởi vậy, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ xác định, việc trước tiên là phải tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức như tập trung, nhỏ lẻ, phát tờ rơi hay lồng ghép vào các hoạt động của thôn với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đối tượng tuyên truyền là tất cả người dân trong thôn. Các cô gái được “chỉ cách” đi học cao hơn để mở rộng tầm hiểu biết, tự lo cho mình cuộc sống tốt hơn. Những nam thanh niên được hướng dẫn cùng bạn gái lập nghiệp trước khi lập gia đình. Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ cũng nhờ uy tín của già làng đến gặp gỡ, động viên các bậc phụ huynh có con khoảng tuổi 14-18 tuổi để tư vấn đừng vì của hồi môn mà gả con đi sớm bởi phải làm vợ, làm chồng khi tuổi còn quá trẻ sẽ có nhiều bất cập chứ chưa nói đến làm cha, làm mẹ.

Theo ông Zơ Râm Nhưng, Chủ tịch UBND xã Ga Ry, chính quyền địa phuơng hết sức ủng hộ hoạt động của câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở thôn G’lao. Đồng hành với việc “tuyên truyền”, chính quyền địa phương còn có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, đó là: Nâng cao dân trí bằng cách động viên, khuyến khích các bạn trẻ học lên cao và tạo công ăn việc làm. Khuyến khích những đám cưới nặng bỏ qua hủ tục hướng tới nếp sống văn minh, đời sống mới.

Nhìn vào Ban quản lý thôn G’lao mới thấy những điều mà Chủ tịch xã Zơ Râm nói không chỉ dừng lại ở “chủ trương” mà đã được triển khai trong thực tế. Ban quản lý thôn G’lao có 6 cán bộ thôn thì có tới 4 người nữ. Đó là trưởng thôn Đinh Thị Mới, cán bộ mặt trận Pơ Loong thị Mêê, Chị Ta Ngol Thị Khái là Chi hội trưởng Hội Nông dân, chị Zơ Râm Thị Chiêh là Chi hội trưởng phụ nữ. Điều đặc biệt hơn là các cán bộ nữ đều được đào tạo cơ bản, như chị Mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng kinh tế Quảng Nam, chị Mêê, chị Khái cùng tốt nghiệp Trung cấp văn hóa, nghệ thuật du lịch Quảng Nam.

Nếu như trước đây, người phụ nữ Cơ Tu chỉ quanh quẩn với nương rẫy, mới học hết cấp 2, thì bây giờ gần như đều học hết cấp 3 và không ít người theo học các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học Chuyên nghiệp; nhiều thanh niên đã thoát ly làm kinh tế, đến các tỉnh thành miền Nam, miền Tây Nam bộ để lập nghiệp bằng việc xin việc trong các khu công nghiệp, chế xuất. Việc dũng cảm rời quê học tập, lập nghiệp không chỉ giúp các thanh niên mở rộng tầm hiểu biết, có kinh tế khá hơn, mà còn là “tấm gương” để các bạn trẻ khác noi theo. Nhiều người cũng muốn được "trải nghiệm” cuộc sống mới thay vì ở nhà lấy chồng sớm rồi quanh quẩn với việc sinh con và làm nương. Những người làm cha mẹ, thấy con cái nhà người khác khá giả cũng muốn con mình được như thế nên ủng hộ, tạo điều kiện cho con mình học cao, khuyến khích làm ăn, ổn định cuộc sống thay vì “lấy vợ/chồng sớm”.

Những năm qua, người dân thôn G’lao cũng từng bước nâng cao đời sống bằng việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Là thôn có diện tích lúa nước nhiều nhất ở xã Ga Ry, những hộ có ruộng đều canh tác 2 vụ/1 năm. Nhiều gia đình cũng tìm kiếm thêm cơ hội bằng việc trồng cây ăn quả và trồng thử nghiệm cây đẳng sâm - một loại cây hiện đang cho thu nhập khá ở vùng cao biên giới này. Ai cũng nỗ lực, cố gắng vì thế hệ tương lai của G’lao.

Trúc Hà