Người cao tuổi cần cảnh giác với bệnh ít ai ngờ

Trước đó 4 ngày, bà K. tuổi đã cao, sốt, rét run, mệt mỏi, ăn uống kém, đau tức nhiều vùng hạ sườn phải, tự dùng thuốc nhưng không đỡ, được người nhà đưa vào TTYT huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Bà K. có tiền sử mổ mở lấy sỏi ống mật chủ và cắt túi mật.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ thăm khám và chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chụp cắt lớp vi tính CT Scanner và siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh đường mật trong gan trái giãn do có nhiều sỏi, tràn dịch khoang màng phổi phải, dịch tự do ổ bụng, xét nghiệm máu có tình trạng tắc mật.

Sức khỏe của bệnh nhân hồi phục tốt, hết sốt, ăn uống được, đại tiểu tiện bình thường

Các bác sĩ hội chẩn và chẩn đoán, người bệnh tắc mật do sỏi ống mật chủ và ống gan trái, chỉ định điều trị nội khoa, nâng cao thể trạng.

Sau 5 ngày điều trị nội khoa tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định, đủ điều kiện phẫu thuật lấy sỏi bằng phương pháp tán sỏi đường mật xuyên gan qua da.

Sau 1 giờ, ca tán sỏi thành công. Người bệnh tiếp tục được điều trị kháng sinh phối hợp lợi tiểu, bổ gan, nâng cao thể trạng. 4 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục, hết sốt, ăn uống được, hết đau bụng, đại tiểu tiện bình thường.

Theo BSCKII. Giang Hoài Đức – Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, TTYT huyện Cẩm Khê, những trường hợp như cụ K. trước đây thường phải mổ mở để lấy sỏi.

Đối với những người bệnh có sỏi mật, khi thấy xuất hiện đau tức vùng hạ sườn phải nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc do sỏi ống mật chủ gây ra như: tắc mật, viêm tụy, nhiễm trùng đường mật, sốc mật … Sau khi ra viện, người bệnh nên định kỳ khám sức khỏe, tránh nhiễm ký sinh trùng bằng cách tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.

Từ năm 2023, TTYT huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đã triển khai kỹ thuật tán sỏi đường mật xuyên gan qua da. Đây là kỹ thuật khó, hiện đại, có nhiều ưu việt, giúp người bệnh có vết mổ nhỏ, hồi phục nhanh, giúp bệnh nhân không phải điều trị xa nhà.

Hồng Hà (CDC Phú Thọ)