Nhà vô địch thực sự của World Cup 2022

Không cần biết đội nào nâng cúp vàng ngày 18/12, chính Qatar đã “vô địch” kỳ World Cup 2022, theo Politico.

Vượt lên mọi thứ, Qatar đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết. World Cup không chỉ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn đem đến cho nước này ảnh hưởng cả về địa chính trị lẫn thể thao.

Theo ông David Mednicoff - Trưởng khoa Nghiên cứu Do Thái và Cận Đông, phó giáo sư Nghiên cứu Trung Đông và Chính sách Công tại Đại học UMass Amherst (Mỹ), việc trở thành quốc gia Arab, Trung Đông và theo đạo Hồi đầu tiên đăng cai World Cup là thành tựu quan trọng với Qatar.

“World Cup cho thấy Qatar chắc chắn sẵn sàng trở nên nổi bật hơn nhiều trên trường quốc tế so với kích thước nhỏ bé của quốc gia này, vượt qua mọi hoài nghi”, ông nói với Zing.

David Mednicoff - Trưởng khoa Nghiên cứu Do Thái và Cận Đông, phó giáo sư Nghiên cứu Trung Đông và Chính sách Công tại Đại học UMass Amherst, Mỹ. Ảnh: UMass Amherst.

“Qatar đã đánh cược việc thu hút người hâm mộ bóng đá từ khắp nơi trên thế giới cũng sẽ kéo theo sự chú ý đến những thành tựu phát triển đa dạng trong 20 năm qua, đồng thời giúp mọi người tiếp cận với nền văn hóa Trung Đông”, ông Mednicoff cho biết.

Tuy nhiên, vị phó giáo sư cũng lưu ý “tính biểu tượng của một sự kiện thể thao lớn như thế này sẽ nhạt dần theo thời gian”. “Câu hỏi đặt ra là liệu những người biết đến Qatar nhờ World Cup có thể đóng góp vào sức mạnh mềm và hình ảnh toàn cầu của nước này hay không”, ông kết luận.

Mục tiêu của Qatar

Theo ông Mednicoff, kể từ khi tổ chức Olympic châu Á năm 2006, Qatar đã sử dụng các sự kiện thể thao đa quốc gia nổi bật để “nâng cao uy tín quốc tế và thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của mình”.

Ông Simon Chadwick, giáo sư về thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skema (Pháp), cũng đồng tình.

“Trên bình diện quốc tế, World Cup đã giúp Qatar củng cố vị thế trung tâm hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế quan trọng. Khi các trận đấu diễn ra trong nước, thỏa thuận khí đốt (với Đức) và thỏa thuận vũ khí (với Mỹ) cũng được công bố”, ông Chadwick nói với Zing.

Theo AP, Qatar là một quốc gia có diện tích nhỏ, chưa bằng bang Connecticut của Mỹ. Nước này có chung đường biên giới dài 60 km với Saudi Arabia - quốc gia có diện tích lớn hơn gấp 185 lần, và nằm ngay bên bờ Vịnh đối diện Iran.

Do đó, Doha đã nỗ lực nâng cao vị thế và cân bằng quan hệ với các nước khác để phòng ngừa mọi nguy cơ tương lai.

“Qatar muốn được coi là quốc gia dẫn đầu trong việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn, cũng như trong các lĩnh vực về sản xuất và xuất khẩu khí đốt”, tiến sĩ Mahfoud Amara, phó giáo sư Khoa học Xã hội & Quản lý Thể thao, Đại học Qatar nói với Zing.

Tiến sĩ Mahfoud Amara, phó giáo sư Khoa học Xã hội & Quản lý Thể thao, Đại học Qatar. Ông là tác giả nhiều về quản lý thể thao trong ở các nước Hồi giáo và từng là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Olmypic, Đại học Loughborough (Anh). Ảnh: Linkedin.

Với kỳ World Cup 2022, Politico nhận định họ đã làm được điều đó. Kể từ khi giải bóng đá lớn nhất hành tinh khởi tranh, Qatar đã chào đón nhiều quan chức cấp cao từ phương Tây.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến xem trận đấu giữa tuyển Mỹ và xứ Wales. Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib và Ngoại trưởng Anh James Cleverly cũng tới Doha. Vào ngày 14/12 (giờ địa phương), Qatar dự kiến tiếp đón Tổng thống Emmanuel Macron xem trận bán kết giữa Pháp và Morocco.

Và hơn nữa, theo tiến sĩ Mahfoud Amara, kỳ World Cup lần này cũng giúp Qatar cải thiện mối quan hệ với các nước vùng Vịnh.

“Saudi Arabia là quốc gia lớn với dân số đông hơn, do đó đây là thị trường lớn cho các công ty công và tư của Qatar. Các cơ quan tài chính, đầu tư của Qatar sẽ tận dụng World Cup, cũng như trải nghiệm của du khách Saudi Arabia đến Qatar trong thời gian này, để thu hút các nhà đầu tư - người mua tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn và bán lẻ”, tiến sĩ cho biết.

Đồng thời, “Saudi Arabia có thể học hỏi kinh nghiệm của Qatar trong quản lý sự kiện thể thao và ngành công nghiệp thể thao”, ông nói thêm.

Giáo sư Kristian Coates Ulrichsen - học giả về Trung Đông tại Viện Baker thuộc Đại học Rice (Mỹ) - cho rằng dấu hiệu quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia bền chặt trở lại gửi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới Arab: Những vấn đề xảy ra với Qatar trong quá khứ và hiện tại đang được đặt sang một bên.

“Điều này cũng có khả năng đảm bảo các quốc gia đang trục trặc quan hệ với Qatar trong những năm gần đây sẽ theo bước Saudi Arabia và củng cố quan hệ với Doha”, ông nói.

Chuyên gia nhận định World Cup 2022 giúp Qatar củng cố vị thế trung tâm hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế quan trọng. Ảnh: Reuters.

Theo giáo sư Chadwick, tác động của kỳ World Cup lần này đến cán cân quyền lực tại Trung Đông vẫn là “câu hỏi lớn”.

“Ban đầu, Qatar xem việc đăng cai tổ chức World Cup là cuộc đua trong khu vực. Và điều này thực sự đã xảy ra”, ông nói.

Vị giáo sư giải thích theo một số cách, Saudi Arabia đã gây chú ý tại giải đấu, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất giành lợi thế về kinh tế.

Tiến sĩ Kristian Coates Ulrichsen, nghiên cứu viên về khu vực Trung Đông tại Viện Baker. Ông tập trung nghiên cứu sự thay đổi của các quốc gia vùng Vịnh trong trật tự toàn cầu, cũng như sự xuất hiện của các thách thức phi quân sự, dài hạn đối với an ninh khu vực. Ảnh: Viện Baker.

“Câu hỏi bây giờ đối với Qatar là điều gì sẽ xảy ra khi giải đấu kết thúc? Người ta nghi ngờ nó sẽ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực của khu vực, đặc biệt nếu tham vọng đăng cai giải đấu năm 2030 của Saudi Arabia thành hiện thực”, ông nhận định.

“Bóng đá là niềm đam mê của người Saudi Arabia, do đó, việc đầu tư vào lĩnh vực này có khả năng thu hút sự ủng hộ từ người dân trên khắp đất nước. Nó phù hợp với chương trình nghị sự của Thái tử Mohammad bin Salman nhằm phục vụ nhu cầu và mong đợi của thế hệ Gen Y, Gen Z rất lớn ở nước này”, ông Chadwick nói thêm.

Ông cũng khẳng định về mặt chính trị, sự kiện đóng vai trò như một công cụ thể hiện quyền lực mềm và xây dựng quan hệ ngoại giao. Về mặt kinh tế, nó đóng góp vào chương trình đa dạng hóa công nghiệp của Saudi Arabia, chủ yếu thông qua thúc đẩy du lịch.

Đòn bẩy của Qatar

Theo giáo sư Simon Chadwick, những gì xảy ra trong 12 tháng tới là phép thử lớn đối với chiến lược thể thao của Qatar, cũng như chiến lược quốc gia nói chung.

Ông cho rằng dù World Cup đã góp phần thay đổi vị thế của Qatar trên thế giới, vấn đề hiện nay là cách quốc gia này duy trì lợi thế mà họ có được nhờ tổ chức giải đấu.

“Điều quan trọng là phải theo dõi các tín hiệu từ Doha về khả năng cạnh tranh đăng cai Thế vận hội Olympic 2036. Điều này sẽ mang lại sự bền vững cho tham vọng của Qatar. Từ ngày 19/12 trở đi, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng bước đi tiếp theo của Qatar sẽ là gì”, vị chuyên gia từ Pháp nhận định.

Theo phó giáo sư Mahfoud Amara, Qatar đặt mục tiêu trở thành một bên tham gia tích cực trong ngành thể thao toàn cầu, liên quan đến việc tổ chức sự kiện thể thao, tài trợ và sở hữu câu lạc bộ thể thao, truyền thông phát sóng thể thao.

Ông Simon Chadwick, giáo sư về Thể thao và Kinh tế Địa chính trị tại trường Kinh doanh Skema (Pháp). Ông là nhà nghiên cứu, học giả, nhà tư vấn và diễn giả với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành thể thao toàn cầu. Ảnh: unofficialpartner.com.

Do đó, không chỉ với kế hoạch hướng tới Asian Games 2030, và trước đó là Asian Football Cup 2023, Doha còn mong muốn cạnh tranh quyền đăng cai các sự kiện thể thao lục địa và quốc tế khác.

“Điều này là nhằm mục đích cạnh tranh với các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia - đối thủ mới nổi trong ngành thể thao và giải trí quốc tế trong những năm tới - của Qatar”, phó giáo sư từ Đại học Qatar chia sẻ.

Theo CNN, Qatar đã đổ khoảng 220 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố hoàn toàn mới, hệ thống tàu điện ngầm hiện đại cùng hàng trăm tòa nhà khách sạn và căn hộ mới.

Không chỉ vậy, nước này cũng ban hành những thay đổi pháp lý để đăng cai World Cup. Qatar dỡ bỏ hệ thống Kafala - thông lệ lao động khu vực có từ lâu cho phép các công ty và số ít công dân kiểm soát tình trạng việc làm, di chuyển và nhập cư của người lao động nhập cư. Đồng thời, Doha quy định mức lương tăng tối thiểu lên 1.000 rial/tháng (khoảng 264 euro).

Do đó, theo phó giáo sư Mednicoff, các dự án công trình công cộng lớn, chẳng hạn tàu điện ngầm Doha mới, sẽ vẫn được duy trì, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước tổ chức các sự kiện quy mô lớn trong tương lai.

Qatar đã đổ 220 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup 2022. Ảnh: Reuters.

“Với sự phụ thuộc vào lao động từ khắp châu Á và mong muốn có quan hệ tốt với ngày càng nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, Qatar có lý do chính trị để tổ chức các sự kiện lớn phổ biến ở châu Á”, ông nhận định.

Theo Politico, Qatar đã thể hiện sự khéo léo đáng kinh ngạc về mặt địa chính trị, khi biết tận dụng những lợi ích cạnh tranh có liên quan mật thiết với nhau.

Nước này có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, đồng thời chia sẻ quyền tiếp cận của Iran với mỏ khí đốt. Qatar cũng có vị thế lớn hơn trong thời gian qua liên quan tới vấn đề năng lượng do tác động từ chiến sự Ukraine.

Một trong những ngành xuất khẩu thành công nhất của Qatar là tập đoàn truyền thông beIN Media Group.

Tập đoàn này nổi tiếng với chi nhánh phát sóng thể thao quốc tế nhưng cũng là chủ sở hữu của hãng phim Miramax tại Hollywood. Nhiều nhà đầu tư Mỹ và Saudi Arabia đã tiếp cận beIn, giữa lúc Qatar suy tính cách định vị bản thân trên trường quốc tế sau khi World Cup kết thúc.

Phương Linh - Hải Linh