Những đứa trẻ ôm giấc mơ 'kế thừa' từ cha mẹ

23h đêm, tiếng quát con của chị hàng xóm vẫn vọng sang nhà tôi: ”Mẹ nói rồi, mẹ muốn con theo ngành y, con phải trở thành bác sĩ, sắp tới liệu mà thay đổi nguyện vọng xét tuyển”.

Tiếng cậu con trai nhẹ nhàng nhưng chất chứa cả nỗi lòng: ”Con đã nói rồi, con không thích ngành y, con thích học công nghệ, sau này con nhất định sẽ thành người thành đạt, con hứa đấy”.

Bà mẹ chuyển sang giọng dỗ dành: ”Con phải trở thành bác sĩ, chỉ có thế mới đảm bảo cho con một tương lai tốt, nghe mẹ, sắp tới thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học đi nhé! Con là con trai ngoạn, đừng làm mẹ thất vọng!”.

Câu chuyện này tôi đã nghe cả chục lần mà nhà chị Hoa vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Chẳng là khi xưa chị Hoa từng ước mơ làm bác sĩ nhưng 2 lần thi trường y không đỗ nên chị đành ngậm ngùi học ngành khác, hiện giờ cũng chỉ là một nhân viên văn phòng. Trong suy nghĩ của chị, con trai chỉ có học ngành y mới có một tương lai ổn định.

Thế nhưng, trái khoáy là cậu bé chỉ thích máy tính, thích học công nghệ thông tin nên khi đăng ký nguyện vọng đại học đã giấu mẹ mà đăng ký ngành công nghệ thông tin theo mơ ước.

Đến khi biết chuyện, chị Hoa làm ầm lên nhưng cũng không giải quyết được gì, vậy là chị đành dùng cách mềm mỏng khuyên con trai thay đổi nguyện vọng.

Thằng bé nhất quyết nói không với những đề nghị của mẹ khiến chị Hoa nổi cơn điên đập cốc chén, thậm chí còn dọa đuổi thằng bé ra khỏi nhà.

Trước đó, nói về chuyện chị ép con học với mục tiêu đỗ trường y thì có lẽ cả khu phố ai cũng lắc đầu. Có lần thằng bé bị điểm kém mà chị bắt con nhịn ăn cả ngày, bắt thằng bé quỳ trong góc nhà. Biết chuyện bác tổ trưởng tổ dân phố phải đến khuyên can chị mới thôi.

Tại sao nhiều cha mẹ biết rằng không nên ép con sống theo kỳ vọng của mình nhưng vẫn cố làm?

Lê Thu Huyền (Long Biên, Hà Nội)

Ảnh minh họa

Về vấn đề trên, cô Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, khi xưa bố mẹ từng ước mơ học ngành này, ngành kia nhưng vì những lí do khác nhau nên không làm được, dẫn tới bây giờ giờ có tâm lý ép con phải cố để thực hiện ước mơ đó cho bố mẹ. Cuộc sống này nhiều vô số những đứa trẻ ôm giấc mơ “kế thừa” từ cha mẹ.

“Tất nhiên người làm bố, làm mẹ nào nào cũng mong những điều tuyệt vời nhất cho con, để tương lai của con bớt gập ghềnh hơn. Thế nhưng, kỳ vọng con phải làm được tất cả những gì mà ngày xưa bố mẹ từng không làm được là không công bằng với đứa trẻ.

Nhiều cha mẹ cho rằng mình tiến bộ nhưng lại không hiểu được rằng mỗi chúng ta có mặt trên cuộc đời này có sở trường, sở thích khác nhau. Bố mẹ đừng bắt một đứa trẻ thích khám phá, thích công nghệ đi học bác sĩ cũng như đừng bắt một đứa trẻ có tài năng về âm nhạc đi học kinh doanh.

Cũng giống như khả năng con mình chỉ có vậy nhưng bố mẹ lại cứ ép con học trường chuyên, lớp chọn. Hãy đặt vị trí đó là mình, giống như sở trường của mình là làm kế toán nhưng sếp lại bắt liên kế hoạch ngoại giao”, cô Loan cho hay.

Theo cô Lê Thị Loan thì đã từng có nhiều trường hợp ngành nghề mà cha mẹ định hướng lại quá sức, không phù hợp với khả năng của con cái và vô tình dẫn đến tâm lý chán nản, có học xong đi làm cũng không có đam mê, không có nhiệt huyết, sống một cuộc đời nhạt nhẽo.

“Quan trọng không phải học gì thời thượng mà là ngành học đó con có thích không, có phù hợp với năng lực của con không. Bởi suy cho cùng, ở một môi trường mà đứa trẻ có thể phát huy khả năng tốt nhất, thể hiện được vị trí của bản thân thì chắc chắn sẽ được ghi nhận, sẽ tạo ra tương lai tốt đẹp cho bản thân.

Phụ huynh với vai trò của mình hãy là người giáo dục cho các con về tinh thần kiên cường, ý chí mạnh mẽ, chiến đấu không mỏi mệt và đồng hành cùng các con trong mỗi chặng đường chứ không phải cản trở ước mơ hay bắt các con “kế thừa” ước mơ của bố mẹ" - cô Loan nhắn nhủ.

Hoàng Thanh