Phát huy vai trò hội phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình

Truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình dưới hình thức sân khấu hóa giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử trong gia đình. Ảnh: THÁI HÀ

Đa dng hình thc truyn thông

Bà Lê Thị Bích Hậu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hòa cho biết, những năm qua, công tác truyền thông luôn được các cấp hội LHPN quan tâm và đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phong trào hội.

Ngoài tổ chức tập huấn, hội nghị truyền thông, sinh hoạt chuyên đề, xây dựng các mô hình và nhân rộng các điển hình nhằm vận động toàn xã hội quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ và trẻ em gái, gần đây, các cấp hội còn tổ chức truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa, qua đó góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình (BLGĐ), lan tỏa các chuẩn mực, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam...

Tham dự buổi truyền thông về phòng, chống BLGĐ do Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện Sơn Hòa tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, cả hội trường có lúc im lặng theo dõi, có lúc tranh luận sôi nổi khi tiểu phẩm đi đến cao trào, cuối cùng là thở phào nhẹ nhõm vì mọi khúc mắc, vấn đề liên quan đến BLGĐ đã được giải quyết ổn thỏa. Các tiểu phẩm phản ánh những câu chuyện gần gũi với cuộc sống đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của người xem.

Tham gia hoạt động truyền thông phòng, chống BLGĐ, Hội LHPN xã Suối Trai mang đến tiểu phẩm: “Vợ Ma Chú”. Nội dung câu chuyện xoay quanh một gia đình người đồng bào Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người vợ là trụ cột nhưng lại chèn ép chồng và phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Trong vở kịch, vợ Ma Chú giữ tiền và quyết định mọi vấn đề làm ăn, muốn chồng nghỉ việc ở xã mà không bàn với chồng; muốn con trai nghỉ học để đi làm rẫy vì sợ sau này, con trai sẽ đi ở rể, gia đình không được nhờ cậy.

Cách hành xử của vợ Ma Chú khiến chồng con bức xúc, làng xóm chê cười và cán bộ phải đến tận nhà, tranh luận để cùng tháo gỡ vấn đề. Câu chuyện kết thúc khi cán bộ thôn và cán bộ phụ nữ giúp cho vợ Ma Chú nhận ra các hành vi BLGĐ; hiểu được tầm quan trọng của việc học để xây dựng quê hương; về sự bình đẳng trong gia đình để mỗi người đều được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Truyền thông dưới hình thức sân khấu hóa đã tạo sự phấn khởi, tò mò và kích thích, giúp người xem nâng cao hiểu biết để có hành động chuẩn mực trong xây dựng các mối quan hệ. Những sáng kiến truyền thông đó đã giúp hội viên, phụ nữ và người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của các cá nhân, gia đình, cộng đồng và cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó với BLGĐ; giúp các tuyên truyền viên thể hiện tâm huyết của mình trong công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở.

Nhiu mô hình phòng nga và tr giúp

Cùng với truyền thông phòng chống BLGĐ, các cơ sở hội còn thành lập nhiều mô hình như: “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Gia đình 5 có, 3 sạch”... Đây đều là những mô hình nòng cốt trong vận động toàn xã hội quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ và trẻ em gái, chung tay đẩy lùi BLGĐ.

Tại huyện Tây Hòa, bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp hội xây dựng, duy trì và hoạt động hiệu quả các mô hình CLB: “Tổ hòa giải”, “Trợ giúp pháp lý”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, “Gia đình hạnh phúc bền vững”... Đặc biệt, các cấp hội đã duy trì và nhân rộng 11 mô hình CLB tư vấn hỗ trợ áp luật cho phụ nữ với 145 thành viên nhằm tư vấn, giúp đỡ cho nạn nhân BLGĐ.

Tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), nhà tạm lánh của “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” được đặt tại nhà anh La Lan Leo, nhân viên y tế xã, thành viên ban chủ nhiệm mô hình để thuận tiện cho việc sơ cứu lúc ban đầu và giúp tạm lánh an toàn cho người bị bạo lực. “Từ khi thành lập đến nay, địa chỉ tin cậy đã phối hợp với chính quyền địa phương động viên, nắm bắt tình hình và hòa giải kịp thời 2 vụ BLGĐ trên địa bàn xã, nên chưa có nạn nhân bị bạo lực tạm lánh”, anh La Lan Leo cho biết.

Thực hiện Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 165 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân BLGĐ và 71 “Tổ truyền thông cộng đồng” với gần 700 thành viên tham gia; đồng thời lồng ghép tổ chức các hội nghị truyền thông, cung cấp các kiến thức phòng, chống BLGĐ; xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em là thành viên của các mô hình này nắm bắt.

Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các cấp hội thường xuyên theo dõi, nắm bắt, phát hiện, phản ánh với cơ quan chức năng về các vụ việc BLGĐ; kịp thời lên tiếng, phối hợp tham gia giải quyết trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; chú trọng can thiệp sớm ở cơ sở ngay khi phát hiện vụ việc.

THÁI HÀ