Viêm bờ mi do chì kẻ mắt, xử lý thế nào?

1. Vì sao chì kẻ mắt gây viêm bờ mi?

Viêm bờ mi sau khi sử dụng chì kẻ mắt khá thường gặp, đặc biệt là viêm bờ mi trên. Thành phần của chì kẻ mắt phổ biến gồm màu chì, chất sáp, dầu, silicon và chất dính tự nhiên. Các chất này giúp chì dính vào mi mắt và lâu trôi, có thể bám chặt ở mắt ngay cả khi đổ mồ hôi và tiết các chất dầu tự nhiên.

Chính vì khả năng bám chặt, nên quá trình vệ sinh, tẩy trang không đúng cách, không sạch và thường xuyên sử dụng chì đã dẫn đến viêm bờ mi. Trường hợp sử dụng chì kém chất lượng thì nguy cơ gây viêm bờ mi càng cao hơn. Bệnh xảy ra do tuyến dầu bị tắc làm mắt sưng, mẩn đỏ, thậm chí dẫn đến nhiễm khuẩn gây sưng mủ, đau ở vùng bờ mi.

Viêm bờ mi có thể gây sưng mủ ở mi mắt.

Các triệu chứng viêm bờ mi mắt trên thường nặng hơn vào buổi sáng, sau đó nhẹ dần. Chính vì thế nhiều chị em thường bỏ qua khi mới bắt đầu bị viêm bờ mi mắt trên, cho đến khi bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí dẫn đến viêm bờ mi mạn tính.

Viêm bờ mi mạn tính có xu hướng tái phát theo từng giai đoạn và ảnh hưởng đến cả hai mắt. Khi phát bệnh một thời gian, các triệu chứng thuyên giảm sau đó đến giai đoạn bùng phát. Dù không phải là bệnh nguy hiểm, những nếu không điều trị dứt điểm sẽ gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ như: Rụng lông mi, lẹo mắt gây sưng tấy, sẹo ở mi mắt, nước chảy bất thường cản trở việc giữ ẩm cho mắt dẫn đến khô mắt, viêm kết mạc, nhiễm trùng giác mạc…

2. Cách xử trí viêm bờ mi mắt

Trang điểm để đẹp hơn là nhu cầu chính đáng và cần thiết đối với phái đẹp. Mỗi khi trang điểm, chị em thường lấy mắt làm điểm nhấn nên cần sử dụng nhiều loại phấn mắt, chì kẻ mắt, mascara…

Tuy nhiên chị em cần lưu ý lựa chọn loại chì tốt, của nhà sản xuất uy tín, không dùng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Sau mỗi lần trang điểm, chị em cần phải tẩy trang sạch và tránh phấn trang điểm rơi vào mắt. Sử dụng nước tẩy trang, đặc biệt là dùng nước tẩy trang riêng cho vùng mắt để làm sạch chì, mascara…

Khi đã bị viêm bờ mi, tùy từng tình trạng sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. Đối với viêm bờ mi nhẹ cần ngừng sử dụng chì kẻ mắt, mascara một thời gian, cho đến khi tình trạng viêm được xử trí khỏi.

+ Vệ sinh mắt: Sử dụng gạc y tế thấm nước muối sinh lý đã được làm ấm. Nhẹ nhàng làm sạch dọc bờ mi từ trong gốc mắt đến đuôi mắt. Động tác này nhằm loại bỏ các chất bẩn tích tụ trên mi mắt. Lưu ý sử dụng nước muối sinh lý dùng được cho mắt, lau nhẹ nhàng, tránh để mi mắt bị trầy xước, kích ứng.

Ngoài việc giữ cho mí mắt sạch thì mái tóc sạch sẽ cũng giúp kiểm soát các triệu chứng viêm bờ mi trên.

Tẩy trang cho mắt sạch sẽ sau mỗi lần trang điểm để tránh viêm bờ mi.

+ Hạn chế chạm tay vào mắt: Bàn tay thực hiện nhiều hoạt động trong ngày nên đó cũng là nơi dễ chứa nhiều vi khuẩn, đặc biệt là ở kẽ móng tay. Do đó không nên đưa tay lên dụi mắt, gãi mi mắt khi thấy ngứa. Khi mắt cảm thấy ngứa, khó chịu… cần rửa tay sạch với xà phòng sau đó dùng tay để thực hiện các động tác vệ sinh cho mắt.

+ Massage mắt: Sử dụng dụng cụ massage mắt đã được làm ấm vừa đủ, đã được làm sạch. Nhắm mắt, lăn qua lăn lại vùng mi mắt. Động tác massage này giúp tăng lưu thông máu, tăng bài tiết mi mắt sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm. Sau khi chườm ấm, dùng đầu ngón tay áp út đã rửa sạch xoa nhẹ nhàng quanh viền mí mắt theo chuyển động tròn. Nên làm nhẹ nhàng để tránh tổn thương mi mắt.

+ Dùng nước mắt nhân tạo: Sử dụng nước mắt nhân tạo để hỗ trợ tình trạng khô mắt do viêm bờ mi. Nước mắt nhân tạo sẽ giúp giảm triệu chứng nóng, rát, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng.

Quá trình này kéo dài từ 4-8 tuần, nếu các triệu chứng viêm bờ mi không được cải thiện thì cần đi khám ở chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị.

Viêm bờ mi trên rất dễ tái phát, do đó cần duy trì thói quen vệ sinh mắt mỗi ngày. Ngoài ra, người đã bị viêm bờ mi trên, cho dù đã điều trị thành công thì vẫn không nên trang điểm đậm tại vùng mắt vì nguy cơ tái phát bệnh cao.

Muốn mắt sáng, hãy tăng cường những loại thực phẩm này I SKĐS

ThS.Trần Thị Luyến