Biệt tài gây 'rối' cho người xem của phim Việt

* Bài viết thể hiện ý kiến chủ quan của tác giả

Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam chắc chưa quên được dạng bài tập trong môn Tiếng Việt là đặt tiêu đề cho đoạn văn. Yêu cầu đưa ra là trong một số từ có giới hạn (hoặc có khi không giới hạn), học sinh phải đặt một tiêu đề có thể khái quát được nội dung của đoạn văn cho trước, kiểu như khi nghe tên một tác phẩm văn học, một tựa phim chúng ta có thể mường tượng ra nội dung diễn biến thế nào. Thế nhưng với không ít bộ phim Việt hiện tại việc “nghe tựa đoán nội dung” là không dễ dàng gì.

'Món quà của cha' sắp kết thúc vẫn gây 'rối' cho người xem.

Món quà của cha cũng là bộ phim gây “rối” cho người xem như thế. Bởi xuyên suốt cả bộ phim, một khán giả dù dễ tính đến mấy cũng không hiểu được đâu là “món quà” thực sự mà người cha được nhận.

Thay vào đó ông phải bán nhà trả nợ, đền tiền khi con làm mất xe và chẳng được bao nhiêu ngày vui khi đứa con còn lại gây tai nạn xe cũng như không có công việc ổn định. Với khán giả khó tính, cái tựa phim Món quà của cha chẳng ăn nhập là mấy.

Hay Gia đình mình vui bất thình lình là một ví dụ khác. Ban đầu phim nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả khi mang đến tiếng cười trong trẻo, dễ chịu. Nhưng càng về sau, bộ phim bị kéo dài lê thê với những tình tiết kiểu drama nhưng “chẳng vui gì cả” mà đầy những bi kịch và nước mắt.

Từ chỗ yêu thích và chờ đợi mỗi tập phim lên sóng thì khán giả kêu gọi bộ phim kết thúc ngay và luôn bởi cái “vui bất thình lình” mà người ta đón nhận ngay từ đầu đã không còn, thậm chí quay sang hụt hẫng chẳng còn hứng thú gì mà xem nữa.

Khán giả đòi đổi tên phim "Gia đình mình vui bất thình lình" vì nhiều tình huống éo le, lê thê.

Phim Gạo nếp gạo tẻ từng làm mưa làm gió màn ảnh một thời cũng có tựa phim và nội dung không ăn nhập với nhau.

Trong văn hóa Việt Nam, người ta thường dùng từ “đủ nếp đủ tẻ” để nói về sự viên mãn của những gia đình có đầy đủ con trai, con gái. Thế nhưng sau khi xem bộ phim Gạo nếp gạo tẻ thì không ít người có lẽ sẽ hỏi lại rằng đâu mới là khái niệm đúng của “nếp - tẻ”?

Bộ phim cũng thành công khi tái hiện hình ảnh gia đình Việt Nam với những đứa con trưởng thành, lập gia đình, thành công hoặc trắc trở. Đáng nói trong số những người con đó không phải ai cũng được trọn tình thương của cha mẹ, tiêu biểu là người mẹ do NSND Hồng Vân thủ vai.

Từ những cung bậc cảm xúc trải dài qua cả 100 tập phim, điều đọng lại khi nó kết thúc là câu hỏi: Vậy ai là gạo nếp ai là gạo tẻ? Rốt cuộc nếp được thương hơn hay tẻ được quý hơn? Và nếu không xem phim mà chỉ coi qua tựa phim chúng ta đoán biết được nội dung không? Có lẽ tất cả đều là “không”.

Chúng ta đều biết việc đặt tiêu đề cho phim chẳng dễ chịu gì với các đạo diễn. Ngoài việc nó phải lột tả được toàn bộ, hoặc phần nào đó nội dung của tác phẩm, tên phim còn có sứ mệnh khác là kích thích người xem. Đó cũng là một nghệ thuật dùng từ ngữ nên cũng cần có sự sáng tạo. Tuy nhiên mọi sự sáng tạo, dù không có sự giới hạn nhưng cần lắm sự phù hợp. Tựa đề có thể chứa đa nghĩa - kiểu nghĩa đen và nghĩa bóng - nhưng cốt lõi nên mang đến sự dễ hiểu cho đa số bộ phận khán giả.

Nếu sự sáng tạo ngôn từ đó mà mất kiểm soát, tiêu đề bỗng trở nên đi xa quá xa, không ăn nhập gì với bộ phim hay nói theo ngôn ngữ học sinh là “lạc đề” thì vô tình tạo nên sự khiếm khuyết không đáng có.

Đành rằng nội dung phim mới là điều tiên quyết làm nên thành công của bộ phim ấy nhưng tựa phim lại là cái có thể đọng lại lâu nhất trong lòng khán giả. Một khi có sự hụt hẫng giữa tiêu đề - nội dung thì sự trọn vẹn chắc chắn là không có. Vậy liệu có bao nhiêu người muốn xem lại bộ phim lần thứ 2 nếu ngay cái tựa phim đã gây đến sự khó chịu?

* Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!

Hoàng Thông