NSƯT Trịnh Kim Chi: Cho là nhận để được hạnh phúc

. Phóng viên: Trong đợt phòng chống dịch Covid-19, từ nguồn quỹ chăm lo cho nghệ sĩ nghèo, chị đã hỗ trợ các nghệ sĩ, công nhân sân khấu có hoàn cảnh khó khăn ra sao?

- NSƯT TRỊNH KIM CHI: Quỹ chăm lo nghệ sĩ chủ yếu kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm và anh chị em nghệ sĩ. Quỹ đi vào hoạt động hơn 2 năm nhằm hỗ trợ cho các trường hợp nghệ sĩ có hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn trong cuộc sống. Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, quỹ đã cùng với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP HCM hỗ trợ cho 181 công nhân sân khấu, chuyên viên hậu đài, kỹ thuật của các sân khấu đang hoạt động trên địa bàn TP HCM. Và 20 nghệ sĩ đang khó khăn, bệnh tật và bị mắc Covid-19 cũng được quỹ giúp đỡ.

. Được biết, Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM sẽ được Sở LĐ-TB-XH TP HCM tiếp nhận trong năm nay. Kế hoạch phát triển ngôi nhà chung cho giới nghệ sĩ được hoạch định thế nào?

- Trước đợt giãn cách thứ tư, UBND TP HCM đã có buổi làm việc và kết luận về việc bàn giao Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ cho Sở LĐ-TB-XH TP HCM. Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM vẫn giữ đúng tên gọi, sẽ cải tạo lại khuôn viên mở rộng xây dựng thêm nhiều dãy phòng cho các nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật khác như: ca múa nhạc, xiếc, ảo thuật, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sáng tác âm nhạc…

. Nhìn lại quá trình làm nghệ thuật và công tác xã hội, chị có hài lòng với chính mình?

- Tôi làm công tác xã hội vì đó cũng là nghĩa vụ của người công dân trong một đất nước hòa bình, độc lập. Hơn nữa tôi còn là một nghệ sĩ ít nhiều có sự ảnh hưởng với xã hội, tôi muốn lan tỏa sự tích cực đến công chúng bằng các vai diễn, tác phẩm sân khấu và công tác xã hội. Một khi mỗi chúng ta góp vào nhịp sống của xã hội bằng chính tấm lòng, nghĩa cử từ việc làm tốt, sẽ chung sức làm cho xã hội thêm ấm áp yêu thương và đầy trách nhiệm.

Tôi cảm thấy mình vui và hạnh phúc về những gì mình làm được. Như hiện tại dịch bệnh đang quá phức tạp và thành phố chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tôi đã cùng các nhà hảo tâm gửi những phần thuốc giảm sốt, vitamin C và hàng tấn rau củ đến hỗ trợ cho người dân.

Tôi khó lòng ngồi yên một chỗ khi nhìn thấy còn nhiều người dân đang rất khó khăn vì dịch bệnh, ngay lúc này mình phải chung tay với toàn xã hội để giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng.

. Sau vở "Rặng trâm bầu", được biết sân khấu Trịnh Kim Chi sẽ thực hiện tác phẩm "Khát vọng ngày mai" của tác giả Trần Văn Hưng để quảng bá sự đổi mới của thành phố mang tên Bác. Chị có thể chia sẻ về vở diễn này?

- Sân khấu Trịnh Kim Chi được UBND TP HCM và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM giao thực hiện vở kịch "Khát vọng ngày mai" của tác giả Trần Văn Hưng, do đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc dàn dựng. Vở kịch viết về những con người hăng say lao động, góp phần hoàn thành tuyến metro đầu tiên tại TP HCM.

Vở diễn đang ở những khâu thực hiện đầu tiên về cảnh trí và chọn diễn viên thì dịch bùng phát, do vậy chúng tôi tạm thời ngưng lại và sẽ tiếp tục tập dợt khi dịch bệnh được đẩy lùi. Giống như tinh thần xung kích hào hùng của vở "Rặng trâm bầu", tôi tin vở "Khát vọng ngày mai" sẽ được công chúng đón nhận vào dịp cuối năm 2021.

NSƯT Trịnh Kim Chi. (Ảnh: PHAN THIẾT MẪN)

. Nhìn lại chặng đường gắn bó với nghề, về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu TP HCM, chị có sáng kiến gì từ góc nhìn của một đơn vị sân khấu xã hội hóa?

- Cả hơn năm nay sân khấu Trịnh Kim Chi không tuyển sinh khóa mới vì tình hình dịch bệnh khá phức tạp. Tôi cũng muốn các bạn diễn viên được đào tạo chuyên sâu và bài bản. Nên sau đại dịch tôi không tuyển sinh ồ ạt mà sẽ tổ chức thi tuyển - đầu vào phải thật sự chất lượng, để không phí thời gian, công sức của những bạn trẻ chỉ yêu thích mà không có năng khiếu.

Hiện tại sân khấu TP HCM có nhiều lò đào tạo bên cạnh hai trường chuyên nghiệp là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM. Nếu cứ để đầu vào rộng mở sẽ rất khó cho việc đào tạo chuyên sâu, có quá nhiều diễn viên, đạo diễn tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm, trong số đó nhiều bạn chỉ vì đam mê mà theo học chứ không có tố chất.

. Để sàn diễn sáng đèn sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, chị có đề xuất gì để các sân khấu xã hội hóa sáng đèn trở lại?

- Theo tôi biết thì thành phố đang có những kế hoạch hỗ trợ đối với các đơn vị hoạt động nghệ thuật và đây là chủ trương chung của Chính phủ dành cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật trong cả nước. Với tình hình dịch bệnh kéo dài thế này tôi nghĩ để khôi phục lại hoạt động biểu diễn sẽ phải mất thời gian khá lâu.

Từ các nhà quản lý các sân khấu đến khán giả đều đối diện với vô vàn khó khăn, mọi người cần thời gian để phục hồi về mặt tài chính, kinh tế rồi mới dám nghĩ đến vấn đề giải trí. Hầu như sân khấu TP đều hoạt động theo mô hình xã hội hóa nên tất cả đều phải tự thân vận động, sân khấu có trụ được hay không là chờ đợi vào khả năng "chèo chống" của các ông bà bầu.

Tôi mong có được sự hỗ trợ tích cực hơn từ nhà nước thông qua việc hỗ trợ vốn để các sân khấu xây dựng tác phẩm, tất nhiên phải theo mô hình đề cương đúng chuẩn. Từ đó, sự sáng tạo của các sân khấu ở khối công lập cũng như xã hội hóa được thúc đẩy, góp phần phục hồi hoạt động sân khấu, đưa sàn diễn sáng đèn phục vụ khán giả sau khi đẩy lùi được dịch bệnh.

THANH HIỆP thực hiện