Thăng trầm làng chiếu Cẩm Nê

Trong văn bia làng Cẩm Nê ghi rõ: “…Ngoài việc lấy nghề trồng trọt làm trọng, tổ tiên ta còn truyền lại con cháu nghề dệt chiếu tài hoa mà sản phẩm chiếu Cẩm Nê từng được sắc phong và làm rực rỡ hoàng cung Triều Nguyễn vẫn mãi mãi còn đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của quê hương ở hiện tại và tương lai”. Ghé vào một nhà dân, chúng tôi ngỏ lời hỏi về nghề dệt chiếu. Bà Nguyễn Thị Hai, người làng chia sẻ: “Công phu lắm, không dễ để làm ra được một chiếc chiếu. Trước đây hầu hết các hộ dân trong làng đều làm nghề dệt chiếu, chỉ cần tới gần làng đã cảm nhận được mùi thơm phảng phất trong không gian”.

Nghệ nhân làng chiếu Cẩm Nê se sợi cói để dệt chiếu.

Theo bà Hai, chiếu Cẩm Nê đa dạng về hình thức và mẫu mã, với nhiều kích thước khác nhau. Nguyên liệu để làm chiếu là sợi lác (cói), được thu mua từ các vùng khác về. Hồi trước, khi nghề còn hưng thịnh, buôn bán đắt hàng, vợ chồng bà Hai phải xuống tận Cẩm Kim (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) mua sợi về, phơi khô, nhuộm màu rồi mắc lên khung cửi để dệt...

Trong ký ức của những người con Cẩm Nê ngày ấy, dân làng rất tích cực, hăng hái sản xuất, duy trì nghề truyền thống. Để ra được một sản phẩm thì phải cần hai người cùng làm, người luồn sợi, người dệt chiếu. Nhà nào cũng có ít nhất một khung dệt, nhiều hơn thì có hai, ba và phải thuê cả nhân công mới đủ. Vào thời điểm thịnh hành, nghề dệt chiếu là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây.

Những sợi cói nhiều sắc màu trước khi được dệt thành phẩm.

Nhưng từ khi có sự cạnh tranh của các loại chiếu công nghiệp với mẫu mã bắt mắt, giá rẻ như chiếu nhựa, chiếu tre,... thì chiếu truyền thống Cẩm Nê dần mất đi ưu thế. Do chi phí vận hành sản xuất cao, nhiều hộ gia đình không đủ nguồn vốn duy trì và quyết định bỏ nghề, chuyển sang công việc khác để mưu sinh, khiến nghề dệt chiếu nơi đây dần bị mai một. “Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy sợ thời kỳ ấy. Giờ tôi không còn giữ khung dệt nữa, không muốn để lại dấu ấn nào của chiếu”, bà Nguyễn Thị Hai hồi tưởng lại thời gian khó khăn.

Theo chỉ dẫn của bà Hai, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân cuối cùng còn làm nghề dệt chiếu ở làng - bà Dương Thị Thông. Bà Thông sinh năm 1963 trong một gia đình có truyền thống làm nghề dệt chiếu lâu đời. Ông bà nội và cha mẹ bà cũng là những nghệ nhân dệt chiếu trong làng. Tuy trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử đất nước, gia đình bà vẫn cố gắng giữ cho được nghề. Ngay từ năm 10 tuổi, bà Thông đã được cha mẹ truyền lại và cho đến nay, bà đã gắn bó với nghề hơn 50 năm.

Bà Dương Thị Thông (bên phải) vẫn tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống.

Dệt chiếu đã từng là nghề mưu sinh chính của gia đình bà. Xã hội càng phát triển, nghề làm chiếu truyền thống càng khó khăn, thu nhập ít ỏi nên gia đình bà cũng phải làm thêm các nghề khác để duy trì cuộc sống. Bà nhìn xa xăm: “Khi nào có khách đặt mới làm, luồn chiếu để giữ vậy thôi, chứ lợi nhuận thì không có”. Với nỗi niềm trăn trở về nghề truyền thống, người nghệ nhân được xem như cuối cùng của làng Cẩm Nê, dù gặp phải nhiều khó khăn, vẫn quyết tâm gìn giữ nghề dệt chiếu gia truyền: “Mình không phụ nghề thì nghề không phụ mình”.

Hiện nay, chiếu làng Cẩm Nê mà bà Thông sản xuất phục vụ chủ yếu cho các trường học, khách du lịch trong và ngoài nước tới trải nghiệm nghề truyền thống. Bà Thông chia sẻ, du khách cảm thấy chất lượng sản phẩm bền và đẹp nên mua ủng hộ khá nhiều.

Đôi tay bà vừa thoăn thoắt dệt, bà vừa tự hào kể lại: “Năm trước, sinh viên làm đồ án thời trang từ chiếu Cẩm Nê, vậy mà làm ra được một bộ đồ”. Bà thấy rất vui mừng khi chiếu làng mình được người ta biết đến nhiều, còn làm đẹp hơn, quảng bá rộng rãi, đây cũng là một cơ hội để nghề dệt chiếu được khôi phục.

Bà Dương Thị Thông đang trong quá trình hoàn thiện một chiếc chiếu.

Năm 2017, bà Dương Thị Thông được Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hòa Vang hỗ trợ 45 triệu đồng, để tiếp tục sản xuất chiếu, lưu giữ nghề truyền thống. Hơn nữa, chính quyền TP Đà Nẵng cũng luôn tích cực ủng hộ, động viên gia đình bà và các gia đình khác giữ niềm đam mê với sợi cói và tìm đầu ra cho sản phẩm chiếu Cẩm Nê.

Dù đã có thời kỳ hưng thịnh, tuy nhiên đến nay, chiếu Cẩm Nê của người dân Hòa Tiến đang đứng trên "bờ vực" bị xóa sổ. Để vực dậy, làm “sống lại” làng chiếu Cẩm Nê ngày một phát triển và sản phẩm chiếu Cẩm Nê được sử dụng rộng rãi hơn, vẫn là một bài toán nan giải cho cả các cấp quản lý và người dân nơi đây.

Bài và ảnh: HÀ CẨM TÚ