Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thời đại sâu sắc

Video: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. (Trích phim tài liệu "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình).

Cứ mỗi độ thu về, ngước nhìn lên Quảng trường Ba Đình trong sắc nắng vàng tươi, mỗi chúng ta lại bồi hồi, trào dâng cảm xúc khi nghĩ về sự kiện diễn ra tại đây vào 78 năm trước - Bác Hồ long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh thiêng liêng ấy, tiếng nói thân thương ấy đã được nhà thơ Dương Thuấn khắc họa khá rõ nét trong bài thơ nổi tiếng: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không”

Tiếng Bác thân thương đọng cõi lòng

Tuyên ngôn Bác đọc ngày xưa ấy

Vẫn vọng muôn đời với núi sông...”.

Tuyên ngôn Độc lập được nhiều học giả coi là áng “Thiên cổ hùng văn” của thời đại mới, được viết ra trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, khi đất nước và chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đương đầu với biết bao khó khăn, thách thức.

Năm 1945, tuy đã giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật, nhưng từng ngày, từng giờ Bác Hồ và Chính phủ cách mạng lâm thời phải đối phó với cả thù trong lẫn giặc ngoài. Bọn đế quốc với âm mưu trở lại thống trị nước ta lần nữa nên không công nhận nền độc lập của Việt Nam, chúng cho quân đội Tưởng Giới Thạch - tay sai của đế quốc Mỹ và quân đội Anh lấy danh nghĩa quân đồng minh vào tước vũ khí của phát xít Nhật. Song, Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa hiểu, đây là âm mưu thâm độc của Mỹ và Anh nhằm giúp thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam. Bởi trước đây, xứ Đông Dương (trong đó có nước ta) vốn là thuộc địa của Pháp. Để chuẩn bị cho lần trở lại này, thực dân Pháp tung ra trước dư luận thế giới rằng: Đông Dương là thuộc địa Pháp và Pháp đã có công lao khai hóa từ thế kỷ XIX. Tuy Đông Dương bị Nhật chiếm nhưng nay Nhật đã đầu hàng đồng minh, Pháp là thành viên của đồng minh nên có quyền quay lại Đông Dương để lấy lại phần đất đã bị chiếm.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ dành đến 1/3 thời lượng lên án những tội ác vô cùng man rợ của thực dân Pháp đối với Nhân dân Việt Nam. Với lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, Người đã bóc trần bản chất xấu xa, việc làm phi nghĩa, vô nhân đạo của thực dân Pháp trước dư luận thế giới. Bằng nghệ thuật chính luận điêu luyện, ngắn gọn mà hàm súc, kết hợp sử dụng từ ngữ gợi hình - biểu cảm mạnh mẽ, giọng văn khi uất ức, nghẹn ngào, khi sôi trào, phẫn nộ, Người đã “đập lại” luận điệu “Công lao khai phá Đông Dương 100 năm” của thực dân Pháp một cách đầy thuyết phục. “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những biển máu...”.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh).

Cùng với việc lên án, Người còn thẳng thắn vạch trần công cuộc “khai phá, bảo hộ” của thực dân Pháp là 2 lần bán nước ta cho Nhật (năm 1940 và năm 1945). Người cũng chỉ rõ luận điệu xảo trá của chúng là phản bội đồng minh, chẳng những không hợp tác với Việt Minh mà còn thẳng tay khủng bố Việt Minh một cách tàn bạo. Người nhận định rất rõ ràng: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng đồng minh thì Nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị...”.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu

Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập là bản tuyên ngôn trong thời hiện đại, sau bản tuyên ngôn “Nam quốc Sơn hà” thời Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi; là văn bản pháp lý quan trọng, đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Đọc Tuyên ngôn Độc lập, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu lý luận nổi tiếng trên thế giới đều chung nhận định như GS Singi Sibata (Nhật Bản): “Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Bởi trước đó, các bản tuyên ngôn của Mỹ và của Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được... Nhưng với trí tuệ mẫn tiệp, sự trải nghiệm thực tế ở Việt Nam và các nước thuộc địa, bị áp bức, Người đã phát triển thành một luận đề không thể phủ nhận hoặc bác bỏ về quyền của các dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ viết: “Tất cả mọi người đàn ông (All men) đều sinh ra bình đẳng...”, trong khi đó, Hồ Chí Minh lại viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng....”. Đây không đơn thuần vấn đề câu chữ mà chính là sự nhận thức từ những giá trị nhân văn cao cả, mang tính phổ quát của toàn nhân loại. Bởi nguyên bản câu “All men” của Mỹ là đặt trong bối cảnh khác hoàn toàn Việt Nam. Khi ta biết rằng, cuối thế kỷ XVIII chế độ nô lệ còn tồn tại, sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc ở Mỹ còn rất nặng nề; những người đàn ông có quyền mà tuyên ngôn đề cập đến chỉ là những người đàn ông da trắng. Còn với Hồ Chí Minh, Người khẳng định rất rõ ràng quyền là dành cho “tất cả mọi người”, không phân biệt đàn ông, đàn bà, địa vị, thành phần, tôn giáo, sắc tộc. Theo Hồ Chí Minh, quyền con người và quyền dân tộc có quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người và ngược lại. Người từng nói: “Nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Có thể thấy rằng, với trí tuệ trác tuyệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn nhưng có sự điều chỉnh và phát triển bằng quan điểm riêng mang tính thời đại của mình. Đó chính là sự đóng góp vô giá về lý luận và thực tiễn về quyền con người gắn với quyền dân tộc, mang tính tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của thời đại. Đây cũng chính là thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén về tầm chiến lược, khả năng dự báo của thiên tài Hồ Chí Minh.

Lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu

Năm tháng sẽ qua đi, song, tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam. “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tư tưởng cao đẹp, quyết tâm lớn lao, ý chí sắt đá đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Không chỉ là lời thề thiêng liêng cho ngày lễ Độc lập mà mãi mãi là kim chỉ nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước của chúng ta.

Nội dung: Khắc hiển

Ảnh, video: tư liệu

thiết kế & Kỹ thuật: huy tùng - khôi nguyễn