3 nhân vật tài giỏi bậc nhất nhưng bị Tam quốc diễn nghĩa 'dìm hàng' thê thảm

Trong Tam quốc diễn nghĩa, rất nhiều người vì mê mẩn những nhân vật như Lưu Bị, Quan Vũ, Gia Cát Lượng mà khinh ghét Tào Tháo, Tư Mã Ý, Lã Mông… Tuy nhiên, chuyện ngoài đời thật về các nhân vật và sự kiện đó có thể khác hoặc khác rất xa tiểu thuyết. Loạt bài này sẽ tìm lại tư liệu lịch sử về một số nhân vật và tình tiết ly kỳ nhất trong bộ tiểu thuyết kinh điển nói trên.

Tào Tháo – nhân vật phản diện chính trong Tam quốc diễn nghĩa (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

1. Tào Tháo

La Quán Trung viết Tam quốc diễn nghĩa với quan điểm “trợ Lưu, phò Hán”, theo Sohu. Nhằm đề cao “anh hùng nhân nghĩa” Lưu Bị, La Quán Trung không ngần ngại biến Tào Tháo thành “quốc tặc”, là nhân vật phản diện lớn nhất của bộ tiểu thuyết nổi tiếng.

Ngay từ những hồi đầu của Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã dùng những tình tiết hư cấu, không thuộc chính sử để khắc họa một Tào Tháo tiểu nhân, tàn độc.

“Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta” là câu nói được gán cho Tào Tháo sau khi giết oan Lã Bá Sa – người có ơn cưu mang khi Tào Tháo đang trốn chạy Đổng Trác. Tuy nhiên, đây là tình tiết hư cấu trong Tam quốc diễn nghĩa.

Với La Quán Trung, Lưu Bị là anh hùng nhân nghĩa (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Ngụy Thư (tài liệu lịch sử nhà Ngụy), Tào Tháo chạy tới Thành Cao, muốn gặp Lã Bá Sa nhưng Lã Bá Sa không có ở nhà. Con cháu và người nhà Lã Bá Sa muốn cướp đoạt ngựa, tài sản của Tào Tháo, bị Tào Tháo giết chết.

Không chỉ “vu khống”, La Quán Trung còn biến một nhân vật tầm cỡ như Tào Tháo trở nên hèn kém trong mắt người đọc.

Năm 211, Tào Tháo đối đầu với liên minh Mã Siêu – Hàn Toại trong trận Đồng Quan. Tam quốc diễn nghĩa viết, Tào Tháo bại trận, bị Mã Siêu truy sát và phải làm đủ loại hành động nhục nhã như “cắt râu, cởi áo” để thoát thân. Đây tiếp tục là một tình tiết được thêu dệt nhằm bôi nhọ Tào Tháo.

Với La Quán Trung, Tào Tháo có nhiều tội, nhưng tội danh lớn nhất có lẽ là lộng quyền, bức hại vua Hán. Nhiều người đời sau chỉ trích Tào Tháo là “quốc tặc” cũng vì lý do này.

Sự thật là đến cuối đời, Tào Tháo cũng chỉ xưng là Ngụy vương chứ không cướp ngôi nhà Hán.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, quan điểm “trợ Lưu, phò Hán” của La Quán Trung trong Tam quốc diễn nghĩa đã lỗi thời. Thiên hạ cần người có tài trị quốc, chứ không phải của riêng bất kỳ gia tộc nào. Nếu để người bất tài như Hán Hiến Đế cầm quyền thay Tào Tháo, cục diện Tam Quốc có thể còn rối ren hơn nữa.

Trong Thuật Chí lệnh, Tào Tháo viết: “Thiết nghĩ quốc gia nếu không có ta, chẳng biết đã bao người xưng đế, bao kẻ xưng vương?”.

Trong tiểu thuyết, Mã Siêu từng suýt lấy mạng Tào Tháo (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Tam quốc chí, Tào Tháo đã từng là một vị quan tốt, trung thành tuyệt đối với nhà Hán. Tào Tháo khi giữ chức Bắc bộ Úy (trông coi cửa Bắc kinh thành) đã thưởng phạt phân minh, không sợ cường quyền, ai ai cũng phải kiêng dè.

Tào Tháo căm ghét gian thần lộng quyền, viết sớ xin Hán Linh Đế trị tội chúng. Hán Linh Đế không màng đến, lại ra chiếu rằng: “Những ai lên tiếng đòi sửa sang chính trị của châu huyện đều bị coi là tung tin nhảm và đáng phải cách chức”.

Ngụy Thư chép, gian thần nắm triều chính, hoàng tộc lộng hành, Thái Tổ (Tào Tháo) không thể hùa theo bọn này. Nhiều lần trái lệnh, sợ họa đến nhà nên từ quan về ở ẩn.

Năm 189, Tào Tháo bán hết gia tài, tập hợp quân đội nhằm dẹp loạn Đổng Trác. Tào Tháo là một trong 18 chư hầu đánh Đổng Trác. Nhưng ngoài Tào Tháo và Tôn Kiên, không một ai động binh.

18 lộ chư hầu không đánh Đổng Trác, lại quay sang tàn sát lẫn nhau nhằm giành giật địa bàn. Thứ sử Duyện Châu Lưu Đại giết chết Kiều Mạo – thái thú Đông quận. Thái thú Bột Hải Viên Thiệu đem quân cướp đoạt Ký Châu của Hàn Phức. Viên Thiệu muốn lập vua Hán mới, bị Tào Tháo cự tuyệt.

Triều đình nhà Hán làm Tào Tháo thất vọng. Các thế lực cát cứ khắp nơi càng khiến Tào Tháo không thể ngồi yên. Tào Tháo là kẻ “gian hùng” dưới ngòi bút La Quán Trung, nhưng với nhiều người, ông là anh hùng trong thời loạn, Qulishi bình luận.

Chu Du – danh tướng đoản mệnh thời Tam Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

2. Chu Du

Chu Du là một trong những đại tướng tài giỏi nhất thời Tam Quốc. Ông là “khai quốc công thần” của chính quyền Đông Ngô, nổi danh nhờ chiến thắng Tào Tháo trong trận Xích Bích.

Năm 208, Tào Tháo dẫn đại quân đóng bên bờ nam sông Trường Giang, uy hiếp Đông Ngô. Bằng kế hỏa công, Chu Du đã quét sạch hàng trăm chiến thuyền của quân Tào. Buộc Tào Tháo phải rút lui về Hứa Xương. Liên quân Tôn – Lưu từ đó có cơ hội đánh chiếm nhiều quận thuộc Kinh Châu.

Tuy nhiên, trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã hư cấu các tình tiết như thuyền cỏ mượn tên, lập đàn cầu gió đông nam để “giành công lao” trận Xích Bích cho Gia Cát Lượng, khiến Chu Du bị lu mờ.

Ở hồi 44, Tam quốc diễn nghĩa viết, Gia Cát Lượng dùng kế, khích bác Chu Du có nguy cơ bị mất vợ đẹp là Tiểu Kiều vào tay Tào Tháo. Chu Du nổi máu ghen, thề cùng “giặc già” Tào Tháo “một mất một còn”. Đây là tình tiết hư cấu đến mức vô lý của La Quán Trung.

Theo Tam Quốc chí, Chu Du ngay từ đầu đã là người chủ trương chống Tào và liên minh với Lưu Bị, không cần Gia Cát Lượng phải khích bác. Qua ngòi bút của La Quán Trung, hình tượng Chu Du từ một đại tướng nuôi chí lớn gây dựng Đông Ngô, bắc phạt Tào Tháo lại biến thành kẻ hăng máu đánh trận Xích Bích chỉ vì ghen tuông.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Chu Du là người nhỏ mọn, vì ganh tị với tài năng của Gia Cát Lượng, “đánh mất Kinh Châu” nên uất ức đến thổ huyết mà chết. Sự thật không phải như vậy.

Chuyện Chu Du uất quá mà chết chỉ là tình tiết hư cấu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Bách khoa lịch sử Trung Quốc, thời nhà Hán, Kinh Châu là vùng đất hiểm yếu, nằm ở ngã ba sông Trường Giang. Kinh Châu bao gồm 7 quận: Nam Dương, Nam Quận, Giang Hạ, Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa, Vũ Lăng. Trong đó, 3 quận Nam Dương, Nam Quận và Giang Hạ là quan trọng nhất.

Sau khi thất bại trong trận Xích Bích, Tào Tháo rút quân về phía bắc, để lại Giang Lăng (thuộc Nam Quận) cho Tào Nhân trấn thủ. Ở Nam Dương và Giang Hạ, Tào Tháo cũng bố trí quân phòng thủ. Chu Du đánh ròng rã 1 năm, chiếm được Giang Lăng.

Trong trận đánh ở Giang Lăng, Chu Du bị trúng tên ở sườn. Vết thương rất nặng, nhưng ông vẫn gắng sức đốc thúc binh sĩ đánh Tào Nhân. Tôn Quyền phong Chu Du chức thái thú Nam Quận, theo Tam quốc chí.

Năm 209, Lưu Bị muốn mượn Nam Quận của Tôn Quyền để làm bàn đạp đánh Ngụy (theo chiến lược Long trung đối sách). Chu Du kịch liệt phản đối điều này. Năm 210, Chu Du đang chuẩn bị kế hoạch đánh Ích Châu thì mắc bệnh chết.

Sau khi Chu Du mất, Tôn Quyền phong Lỗ Túc làm đô đốc. Lỗ Túc là người có tư tưởng chủ hòa với Lưu Bị, khuyên Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Nam Quận (với lý do mượn sức Lưu Bị chống Tào ở mặt trận phía bắc). Tôn Quyền đồng ý.

Tam quốc chí chép, Tào Tháo nghe tin Quyền đem đất đai cho Bị mượn thì tức giận, đang viết thư mà quẳng bút xuống đất.

Chu Du không hề làm mất đất Kinh Châu, nhưng trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung buộc ông phải gánh tiếng xấu này. Theo đó, Chu Du gắng sức đánh lấy Nam Quận nhưng bị Gia Cát Lượng lập mưu phỗng tay trên. Chu Du nhiều lần mắc mưu Gia Cát Lượng, uất ức đến hộc máu mà chết.

Trước khi chết, Chu Du còn than: “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng”.

Chu Du chết, Gia Cát Lượng đến viếng. Lỗ Túc thấy vậy ca ngợi Lượng, chê Chu Du “hẹp hòi, tự chuốc lấy cái chết”. Đây hoàn toàn là chi tiết hư cấu nhằm bêu xấu nhân vật Chu Du.

Tư Mã Ý bị La Quán Trung khắc họa là kẻ tiểu nhân, hèn nhát (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

3. Tư Mã Ý

Tư Mã Ý – kỳ phùng địch thủ với Gia Cát Lượng – cũng là một nhân vật bị Tam quốc diễn nghĩa “dìm hàng”.

Trong tam quốc diễn nghĩa, Tư Mã Ý bị miêu tả là một nhân vật hèn nhát. Liên tục bị Gia Cát Lượng chọc tức, thậm chí gửi cho bộ quần áo phụ nữ, cũng không dám ra đánh.

Mỗi lần xuất quân, Tư Mã Ý lại bị trúng kế của Gia Cát Lượng như: Không thành kế (Gia Cát Lượng mở cổng thành, ngồi gảy đàn nhưng dọa quân Tư Mã Ý bỏ chạy), kế tăng bếp (Gia Cát Lượng cho quân xây thêm bếp, vờ tăng quân khiến Tư Mã Ý sợ không dám truy kích), phép độn giáp (Gia Cát Lượng vờ sai khiến quỷ thần, dụ Tư Mã Ý đuổi theo để quân Thục thừa cơ gặt lúa).

Đỉnh điểm là ở hồi 103, Tam quốc diễn nghĩa viết rằng 3 cha con Tư Mã Ý bị Gia Cát Lượng lừa vào hẻm núi Thượng Phương, phóng hỏa muốn đốt chết, nhưng trời bất ngờ đổ mưa lớn.

Tư Mã Ý bị nhốt trong hang, khóc ầm lên rằng: “Ba cha con ta chết cả ở chỗ này mất thôi”.

Đây đều là những tình tiết hư cấu của La Quán Trung nhằm hạ thấp trí tuệ của Tư Mã Ý.

Theo Tam quốc chí, tài năng của Tư Mã Ý được thể hiện rõ nét nhất sau khi Tào Tháo qua đời. Cụ thể là trong các lần Bắc phạt của Gia Cát Lượng.

Tư Mã Ý tài năng không thua kém Gia Cát Lượng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Năm 228, Gia Cát Lượng dẫn quân tấn công đất Ngụy. Mạnh Đạt (tướng trấn thủ Tân Thành bên Ngụy) hùa theo làm phản. Biết Mạnh Đạt là người hay do dự, Tư Mã Ý lập kế gửi thư cho ông ta, nhấn mạnh rằng chuyện làm phản chỉ tin đồn thất thiệt từ Gia Cát Lượng. Mạnh Đạt vui mừng, không gấp rút tập hợp quân nữa.

Tuy nhiên, Tư Mã Ý hành quân ngày đêm, chỉ 8 ngày đã đến được Tân Thành. Mạnh Đạt bị đánh bất ngờ, nhanh chóng thất bại.

Ở Nhai Đình, tướng Thục là Mã Tốc làm trái lệnh Gia Cát Lượng, cho quân đóng trên núi. Tướng Ngụy là Trương Cáp kéo đến vây núi, chặn đường lấy nước. Quân Thục hoang mang không dám đánh xuống, tự tan rã. Chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất thất bại vì sai lầm của Mã Tốc.

Trong những lần Bắc phạt tiếp theo, quân Thục tiếp tục thất bại khi Tư Mã Ý kiên trì áp dụng chiến thuật chỉ thủ không đánh. Ngay cả khi Gia Cát Lượng vờ rút lui, Tư Mã Ý cũng chỉ cho quân đuổi theo chứ không giao tranh. Khi quân Thục dừng lại, quân Ngụy cũng lập đồn phòng thủ.

Tháng 4/234, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần cuối cùng. Tư Mã Ý kiên quyết phòng thủ.

Ngụy thị Xuân thu chép, sứ giả của Lượng đến, Tư Mã Ý không nói việc quân, chỉ hỏi chuyện công việc và ăn ngủ của Gia Cát Lượng. Sứ giả nói rằng, Gia Cát Lượng thức khuya dậy sớm, mỗi bữa ăn chẳng được mấy lưng. Tư Mã Ý nói: “Lượng sắp chết rồi”.

Tháng 8/234, Gia Cát Lượng qua đời. Quân Thục buộc phải rút lui.

Theo Sohu, Tư Mã Ý hiểu rõ điểm yếu trong việc vận lương của quân Thục, không đánh mà thắng, giữ vững đất Ngụy. Trong khi đối đầu với Gia Cát Lượng ở phía tây, tại mặt trận phía nam, Tư Mã Ý vẫn chỉ đạo quân Ngụy đối phó với những cuộc tấn công từ quân Ngô. Tài năng của Tư Mã Ý có thể nói là không thua kém gì Gia Cát Lượng.

____________

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Quan Vũ vì sơ suất mà để mất Kinh Châu. Mỗi lần "hiển thánh", Quan Vũ lại lấy mạng một kẻ thù theo cách hết sức hoang đường. Thực hư chuyện này ra sao? Mời bạn đón đọc trong bài kỳ sau, xuất bản vào sáng sớm ngày 3/5/2023.

Vương Nam – tổng hợp