Bài 1: Lá thư cầu cứu của nữ sinh lớp 8 người Mông bị ép bỏ học lấy chồng

Chính quyền, đoàn thể, lực lượng công an xã làm công tác tư tưởng cho gia đình em V. để em được đi học và không ép em lấy chồng sớm

Đây là một câu trong lá thư cầu cứu của em Thào Thị V. (sinh năm 2010, ở bản Thào), là học sinh lớp 8, trường THCS Hố Mít gửi đến các thầy cô giáo để được can thiệp việc bị gia đình bắt lấy chồng sớm. Người mà em bị ép lấy chính là người cậu họ, 2 nhà cùng bản, cách nhau chỉ một con suối. Người cậu họ hơn em 3 tuổi.

Lá thư của L. làm nhói tim những người làm cha, làm mẹ, gieo nên những nỗi xót thương cho các thầy cô giáo và cả sự trăn trở của cấp ủy chính quyền địa phương.

Lá thư của em Thào Thị V., học sinh lớp 8, trường THCS Hố Mít

V. đi học cách nhà 10km nên nhà trường bố trí ở nội trú. Cứ thứ 2 em xuống trường và cuối tuần lại về nhà. Lá thư cầu cứu này được viết sau khi nhà trường đã can thiệp, vận động gia đình cho cháu tiếp tục đi học sau đợt nghỉ Tết. Những lời em nói trong thư giống như tia sáng lấp lánh giữa bầu trời mù sương, bởi tháng năm im lìm trôi qua, trên những bản người Mông, cũng ít có người con gái nào dám dũng cảm nói ra điều ấy.

Nói như vậy là bởi theo chị Giàng Thị Mang – Chủ tịch Hội LHPN xã Hố Mít, phần lớn những người phụ nữ Mông lớn lên từ bản và sướng khổ, buồn vui cũng chỉ xung quanh nơi này; an phận, cam chịu với cuộc sống, không có ước mơ khát khao lớn hơn. Chỉ cần đến tuổi cập kê là lấy chồng, sinh con đẻ cái; có chồng con, có ruộng, có nương làm ra hạt thóc, hạt ngô là đủ ấm no cả đời… Họ không có giới hạn của sướng hay khổ, hạnh phúc hay đau buồn, không than phiền, kêu ca, so đo tính toán… Cuộc sống của họ bao nhiêu cũng là đủ, và đó là hạnh phúc.

Mẹ của Thào Thị V. (sinh năm 1992) có chồng sinh năm 1991. Như vậy, khi bố mẹ của V. sinh ra em, họ cũng chỉ tầm tuổi em bây giờ hoặc hơn một chút và cũng chưa đủ tuổi kết hôn. Mẹ V. muốn con gái theo chân mình, còn bà nội của em V. lại càng muốn vun đắp cho em sớm thành vợ chồng với cậu của mình hơn. Phần là vì sợ em mải mê chuyện học hành, quá tuổi thì sẽ khó lấy chồng; phần khác nếu lấy nhau thì sẽ thương nhau hơn (vì là anh em trong nhà) và của cải sẽ không mất đi đâu.

Từ quan điểm ăn sâu đó, nên đời đời, kiếp kiếp, những người phụ nữ bên những bản vùng cao mãi chỉ biết an phận thủ thường, không biết đến cảm xúc tình yêu, những rung động đầu đời, chỉ "ưng cái bụng" là theo bạn trai kéo về nhà làm dâu.

Bài 2: Đắng lòng những "lời ru buồn" trên non cao

Hà Anh