Các giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo

Các sản phẩm của doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp tham gia trưng bày tại hội thảo chia sẻ chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Lĩnh vực phát triển kinh tế, ởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Hội LHPN các cấp thực hiện có hiệu quả đề án 939 “hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, qua đó đã hỗ trợ 508 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền 18 tỷ đồng. Trong thực hiện Hội LHPN các cấp luôn chú trọng công tác định hướng ngành nghề khởi nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương theo hướng liên kết để xây dựng, nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm… trực tiếp tư vấn, hỗ trợ từng vấn đề khi hộ kinh doanh gặp khó, tạo lập niềm tin để chị em mạnh dạn khởi nghiệp.

Đồng chí Huỳnh Thị Sô Phia, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: đến nay, 100% cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở đã được trang bị kiến thức, kỹ năng về hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp đã được tạo điều kiện tiếp cận các chính sách và nguồn lực để phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của tỉnh.

Năm 2024, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 94 tỷ đồng từ nguồn của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 939 và phát động ngày phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số”.

Chị Thạch Thị Kiều ấp Thủy Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang được Hội LHPN xã tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay 20 triệu đồng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp với nghề làm đẹp. Chị Kiều cho biết: sau khi học nghề về do điều kiện còn khó khăn, nhờ Hội LHPN xã hỗ trợ chị được tiếp cận vốn vay mua trang thiết bị mở tiệm kinh doanh dịch vụ làm đẹp cho phụ nữ. Ở vùng nông thôn, nhu cầu của chị em phụ nữ về mặt làm đẹp không nhiều, bên cạnh đó, nhờ mặt bằng nhà, nên dịch vụ làm đẹp hàng ngày thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng, đủ trang trải tiền sữa cho con.

Thực hiện chương trình mỗi xã 01 sản phẩm OCOP, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội thảo đẩy mạnh kết nối nhằm phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long giữa 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ với 07 tỉnh miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp nữ kết nối, giới thiệu sản phẩm địa phương đến các tỉnh trong khu vực và các tỉnh phía Bắc, có 14 gian hàng của các doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia với 150 sản phẩm. Tư vấn kết nối, tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp đạt chứng nhận OCOP tham gia sàn thương mại điện tử hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động phụ nữ khởi nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng, từng bước cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Đến nay, toàn tỉnh có 291 sản phẩm OCOP, trong đó có 71 sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ. Đăng ký bảo hộ 67 nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tham gia OCOP từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh. Trong khuôn khổ thực hiện chuỗi các hoạt động khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh triển khai, định hướng, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thực hiện đề án “hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”. Củng cố, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho phụ nữ.

Theo đồng chí Huỳnh Thị Sô Phia, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: để hoạt động khởi nghiệp trở thành phong trào thi đua rộng rãi trong các cấp Hội và hội viên phụ nữ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Hội LHPN tỉnh luôn đồng hành với các doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp; hướng dẫn phụ nữ cách thức xây dựng ý tưởng kinh doanh, đề án để tìm kiếm nhà đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển về chất lượng và quy mô. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã có cơ hội tiếp cận các chính sách liên quan để giúp các chị em có nền tảng vững chắc về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN